In bài viết

90% trẻ em đã được tiêm chủng mở rộng

(Chinhphu.vn) - Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã đạt và duy trì một số thành quả trong việc thanh toán, loại trừ, giảm số mắc và tử vong của các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng và nâng cao chất lượng tiêm chủng.

14/12/2012 21:02

Ảnh minh họa

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 1985 với việc 6 loại vaccine phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như lao, bạch hầu, ho gà… Cho tới nay chương trình TCMR đã triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong đó có 10 loại vaccine do Việt Nam tự sản xuất.

Thời gian qua Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới tiêm chủng mở rộng ở khắp các địa phương. Từ năm 1995 đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, được quốc tế công nhận đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ số trẻ mắc sởi trên 100.000 dân năm 2011 giảm 182 lần so với năm 1984 và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi với số mắc nhỏ hơn 1/1 triệu dân; năm 2010, kết quả điều tra huyết học cho thấy tỷ lệ mang vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi khoảng 25 và tiến tới giảm tỷ lệ này xuống dưới 1% trong tương lai; tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT3 đạt trên 90%; tỷ lệ mắc bạch hầu giảm xuống còn dưới 0,04/100.000 dân..

Tuy nhiên, chương trình TCMR hiện đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn do sự biến động của đội ngũ làm công tác tiêm chủng mở rộng ở các địa phương, ở cơ sở, của các khu vực dân tộc thiểu số vùng núi.

Việc cung ứng vaccine ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được kịp thời và kinh phí  dành cho tiêm chủng mở rộng vẫn còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, trong khi nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam đang giảm dần…

Minh Anh