Tăng trưởng ở các chỉ tiêu, bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước
Báo cáo với Thủ tướng, ông Lại Xuân Thanh cho biết, năm 2023, ACV tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ở các chỉ tiêu quan trọng về doanh thu và lợi nhuận, bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước tại ACV.
Cụ thể, năm 2023, tổng hành khách đạt 113 triệu khách, đạt 95,7% kế hoạch năm, tăng 14% so với năm 2022, tương đương 98% năm 2019 (trong đó, khách quốc tế đạt 32,6 triệu khách, tăng 173% so với năm 2022, tăng 2%/kế hoạch năm, phục hồi 79% so với năm 2019; trong nước đạt 80,4 triệu khách, giảm 7,7% so với năm 2022, đạt 93,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2019).
Tổng doanh thu đạt 20.252 tỷ đồng, đạt 104,6% kế hoạch năm, tăng 27% so với thực hiện năm 2022. Tổng chi phí ước đạt 11.279 tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch năm; tăng 35% so với thực hiện 2022. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 14% so với thực hiện 2022; nộp NSNN năm 2023 đạt 3.887 tỷ đồng.
Năm 2023, đã bảo đảm an ninh, an toàn khai thác với 113 triệu lượt hành khách, 720 nghìn lượt cất hạ cánh tàu bay và hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa. Các hoạt động khai thác đã được đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm tối ưu hóa quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động tại các cảng. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh trắc học... trong các dây chuyền đã giúp hành khách tiết kiệm thời gian, nâng cao trải nghiệm của hành khách khi sử dụng các tiện ích tại sân bay, hướng đến mô hình sân bay thông minh trong tương lai.
Chủ tịch ACV cho biết thêm, nhận thức và quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty đã tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và quyết liệt bám sát các mốc tiến độ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra. Cụ thể là đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu gói thầu số 5.10 - Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 - Dự án thành phần 3 và đã khởi công công trình vào ngày 31/8/2023, việc này đã tạo bước ngoặt lớn trong thực hiện Dự án. Có thể khẳng định gói thầu 5.10 là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thì công dài nhất trong các gói thầu của Dự án thành phần 3. Kết quả lựa chọn nhà thầu được Tổ công tác liên ngành do Chính phủ thành lập kiểm tra và kết luận quy trình lựa chọn nhà thầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Song song với đó là khởi công đồng thời các gói thầu quan trọng khác tại Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 - Dự án thành phần 3; Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Hoàn thành, đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Phú Bài và Cảng HK Điện Biên; khánh thành công trình Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Phú Bài …
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh khẳng định, kết quả năm 2023 của ACV vừa tạo nền móng vững chắc để thực hiện thành công kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, vừa tạo tiền đề bứt tốc trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024. ACV luôn xác định một trong những nhiệm vụ chính trong hoạt động của doanh nghiệp là bám sát chủ trương, đường lối và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; các chương trình hành động của Ủy ban để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ theo Quyết định số 29/QĐ-UBQLV ngày 19/1/2024.
Để phát triển và bảo toàn nguồn vốn nhà nước, Chủ tịch ACV cho biết, ACV đã đề ra các giải pháp để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024.
Cụ thể, về sản lượng khai thác sẽ phấn đấu đạt 118 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023. Về dự kiến kế hoạch tài chính, năm 2024, ước đạt tổng doanh thu là 20.261 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023. Tổng chi phí là 10.911 tỷ đồng, tương đương 96% năm 2023. Lợi nhuận trước thuế là 9.350 tỷ đồng, tăng 8% so với 2023. Các chỉ tiêu tài chính ROA 10,79%; ROE 14,11%.
Trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không năm 2024, ACV đặt trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể là Dự án Đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành (giai đoạn 1) - Dự án thành phần 3 (hoàn thành xây dựng phần thô và cất nóc công trình nhà ga hành khách trong năm. Song song với việc hoàn thành phần lớn các khối lượng chính cho các hạng mục hạ tầng chính như đường CHC, đường lăn, sân đỗ máy bay, hạ tầng cảng, giao thông kết nối...). Với mục tiêu tiến độ nêu trên, Tổng Công ty đã bố trí nhu cầu vốn năm 2024 cho Long Thành khoảng 24.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng nhu cầu vốn kế hoạch của các dự án xây dựng cơ bản của Tổng Công ty trong năm 2024.
Đối với Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, ACV đưa ra mục tiêu tiến độ sẽ hoàn thành toàn bộ phần thô trước tháng 6/2024 và lắp đặt kết cấu thép mái trước ngày 31/12/2024, song song với việc hoàn thiện các hệ thống thiết bị cơ điện, nhà xe PNA, nhà UC, sân đỗ máy bay..... Tổng Công ty cũng đã bố trí nhu cầu vốn khoảng 3.900 tỷ đồng để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Với việc mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Nội Bài, hiện trong tháng 1/2024, Tổng Công ty đã mở thầu Gói thầu số 12 "Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga T2" (gói thầu quan trọng nhất của dự án). Hiện, Tổ chuyên gia đang tiếp tục làm việc phấn đấu hoàn thành công tác đánh giá sau Tết Nguyên đán 2024. Với mục tiêu khởi công gói thầu và hoàn thành phần thô trong năm 2024, Tổng Công ty cũng đã bố trí khoảng 2.700 tỷ đồng giải ngân cho dự án.
Đối với các dự án tại địa phương, ACV sẽ tập trung xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Đồng Hới với quy mô, công suất khai thác đạt 3 triệu khách/năm; xây dựng nhà ga hành khách T2 - CHKQT Cát Bi với quy mô, công suất khai thác đạt 5 triệu khách/năm. Các dự án hạ tầng đồng bộ như nhà ga hàng hóa (khoảng 725 tỷ đồng), sân đỗ máy bay (khoảng 489 tỷ đồng) cũng đã được Tổng Công ty bố trí khoảng 900 tỷ đồng để đáp ứng tiến độ khởi công các dự án nêu trên trong quý II/2024 nếu được bàn giao mặt bằng sạch.
Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu năm 2024, Tổng Công ty trình chủ trương đầu tư dự án mở rộng CHK Cà Mau với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, với mục tiêu khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành cuối năm 2025. Hiện Tổng Công ty cũng đã bố trí đủ vốn để thực hiện công tác khảo sát, lập các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi dự án và thiết kế kĩ thuật.
Tổng nhu cầu vốn năm 2024 của Tổng Công ty khoảng 35.010 tỷ đồng, đã được bố trí và trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét thông qua.
Chủ tịch ACV cho biết, trong năm 2024, ACV sẽ tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực số, triển khai việc số hóa các lĩnh vực phục vụ quản trị, điều hành và quản lý khai thác cảng hàng không. Đẩy mạnh đầu tư cho CNTT, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xây dựng các quy chuẩn, đặc biệt là quy trình triển khai thực hiện mô hình ACDM (quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay); đồng thời phát triển các nền tảng ứng dụng, trang bị công cụ làm việc từ xa, nguồn lực công nghệ thông tin; quy trình kiểm soát hệ thống công nghệ và an toàn thông tin.
Cụ thể, trong quý I/2024, ACV hoàn thành triển khai và áp dụng thu phí không dừng cho 5 cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài và Cát Bi.
Ngày 1/2 vừa qua, sau khi được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận, ACV đã chính thức triển khai áp dụng mô hình ACDM cho 2 cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Song song với đó cũng đã triển khai đầu tư toàn phần, thực hiện công tác thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay tương thích với Đề án 06 của Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Lại Xuân Thanh cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc như: Kết cấu hạ tầng khu bay tại các cảng hàng không hiện nay đã xuống cấp, do khó khăn trong việc bố trí vốn đầu tư công trong đầu tư nâng cấp, cải tạo nên chỉ thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn khai thác.
"Với nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia (3 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 115.000 tỷ đồng: Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Nội Bài) và nhiều dự án trọng điểm ngành, dự án A-B, do đó nhu cầu bố trí vốn đầu tư cho giai đoạn này là rất lớn", ông Thanh nói.
Để đáp ứng nhu cầu này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã cho phép sửa đổi Nghị định 140/2020/NĐ-CP, theo hướng cho phép bổ sung vốn nhà nước từ lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp nhà nước (chia cổ tức bằng cổ phiếu). Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Tài chính chủ trì để sửa đổi, Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành. ACV cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện phương án bổ sung vốn từ lợi nhuận sau thuế theo đúng quy định nhằm bảo đảm nguồn vốn kịp thời, liện tục cho các dự án quan trọng quốc gia.
Giang Oanh