Ngày 27/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9 năm 2023.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4/2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Báo cáo lưu ý rằng những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế bao gồm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Dự báo về lạm phát được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4,0% cho năm 2024.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, chia sẻ: Môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm tại Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Cụ thể, trong khi sản xuất công nghiệp của Việt Nam bị thu hẹp do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.
Các chuyên gia của ADB cho rằng, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, gần 50,0% kế hoạch giải ngân đầu tư công của năm đã được thực hiện (tăng từ mức 33,0% vào cuối tháng 6/2023). Việc tăng tốc chi tiêu của Chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm.
Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.
Các chuyên gia của ADB nhấn mạnh: Sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu. Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng.
Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.
Anh Minh