Triển khai cho vay xây dựng Nông thôn mới đến 100% số xã trên cả nước
Nhận thức rõ rầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai Kế hoạch hành động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của ngành Ngân hàng; với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Agribank phối hợp chặt chẽ với Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp |
Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011; sau 7 năm, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 100% số xã trong cả nước, với dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên 400 nghìn tỷ đồng với gần 3 triệu khách hàng, khẳng định vị trí hàng đầu hệ thống TCTD trong việc triển khai chương trình này.
Để triển khai hiệu quả chương trình này nói riêng, cũng như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, Agribank phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú và luôn đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện và dân trí khu vực nông thôn; Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, tập trung cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư.
Nhiều công trình trạm y tế xã - tiêu chí quan trọng của Nông thôn mới được xây dựng từ nguồn kinh phí của Agribank |
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agrbibank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo với kinh phí từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống.
Có thể nói rằng, với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn.
Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a
Cùng với triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cùng nhiều chương trình tín dụng chính sách khác của Nhà nước, Agribank đang triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại các địa bàn trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Agribank cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững |
Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh, đến nay, Agribank đã triển khai cho vay ưu đãi lãi suất hơn 12.200 tỷ đồng đối với toàn bộ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Agribank đã triển khai đồng bộ, chuyển tải vốn đến những vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp cho hàng chục vạn hộ thoát nghèo; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập đảm bảo đời sống, giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình đầu tư hiệu quả. Qua đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị làm nên thành công của chương trình, giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, giúp người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng trên cả nước.
Hoàn thành mục tiêu của từng chương trình mục tiêu quốc gia
Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phấn đấu cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; mỗi tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch 5 năm trong năm 2019.
Bằng nhiều hành động cụ thể, Agribank quyết tâm cùng Chính phủ và hệ thống chính trị hoàn thành mục tiêu của hai chương trình mục tiêu Quốc gia |
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người thuộc hộ nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; giải quyết dứt điểm không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách ưu đãi người có công.
Một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là triển khai đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua hình thức lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; tập trung đầu tư cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững…
Với quyết tâm cùng Chính phủ và hệ thống chính trị hoàn thành mục tiêu của từng chương trình mục tiêu quốc gia, từ thực tiễn triển khai 2 chương trình này cũng như thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank mong muốn thời gian tới, quá trình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục được quan tâm triển khai có hiệu quả, bởi trên thực tế, người nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao, không thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Với phương thức sản xuất hiện nay đã làm cho chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải. Mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện nay đang phải phục vụ trung bình từ 500 đến 1000 hộ nông dân vay vốn và có nơi còn cao hơn.
Thái Anh