Đưa ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tam nông toàn hệ thống. Định hướng của Agribank thời gian tới là vẫn tiếp tục duy trì tỉ lệ này cho lĩnh vực tam nông.
Suốt 35 năm qua (1988 - 2023), dòng vốn của Agribank đã bền bỉ đồng hành cùng ngành nông nghiệp thực hiện nhiều cuộc cải cách. Từ hậu thuẫn các hộ nông dân thành công với cách mạng "Khoán 10", đến nay Agribank vừa đồng hành với 3,5 triệu hộ nông dân, vừa chắp cánh cho các mô hình kinh tế nông nghiệp lớn phát triển, hướng tới một nền sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Agribank đã trở thành "cầu nối" quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, mang đến cho người dân cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước
Với mạng lưới rộng lớn, được ví là "ngân hàng của nhà nông", Agribank là ngân hàng duy nhất đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến với từng thôn xã, từng gia đình ở địa bàn nông thôn. Nhờ vậy, Agribank là ngân hàng có đóng góp tích cực nhất trong nỗ lực cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thông qua cả kênh truyền thống lẫn kênh ngân hàng số.
Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng.
Agribank cũng đã triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 15.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại 454 xã trên toàn quốc, giải ngân 5.679 tỷ đồng, thu nợ 6.208 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.416 tỷ đồng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích khác tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại.
Với đồng bào dân tộc thiểu số, bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết Agribank Kon Tum luôn quan tâm đến việc phát triển đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ tín dụng của Agribank Kon Tum thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế.
Có những xã cách trung tâm huyện tới 50-60 km, đi lại vất vả, cán bộ tín dụng vẫn không quản ngại khó khăn đến tư vấn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng người đồng bào dân tộc cách sử dụng vốn vay, đổi mới cách làm ăn để sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và quê hương. Với khu vực biên giới chưa có chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đã đưa xe ô tô lưu động phục vụ các nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để làm sao không để trống địa bàn.
Ngoài ra, Agribank đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ thấu chi tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với lợi thế về chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt. Đến nay, hạn mức thấu chi đã cấp trên 1.756 tỷ đồng với 266.853 thẻ. Nhờ có thẻ thấu chi Agribank, tình trạng tín dụng đen giảm mạnh.
Đề án thẻ thấu chi cũng như sáng kiến điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã thực sự mang dịch vụ ngân hàng đến tận từng gia đình, đây cũng là những chương trình rất thiết thực để hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Đồng thời, thể hiện được tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Agribank.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Agribank đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, nhất là với người dân ở khu vực nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.
Trong lĩnh vực tài chính công, Agribank là một trong các ngân hàng đầu tiên triển khai công tác phối hợp thu với cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, phủ khắp đến các địa bàn xã, huyện trên cả nước.
Với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến người dân được nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có mô hình tổ vay vốn.
Đến nay, Agribank đã thực hiện cho vay trên 69.000 tổ vay vốn với trên 1,4 triệu tổ viên, dư nợ đạt 167.000 tỷ đồng. Thấu hiểu đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp, thu nhập mang tính mùa vụ cũng như nhu cầu vốn của người nông dân, Agribank không chỉ phục vụ vốn sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, phục vụ đời sống cho bà con. Dòng vốn tín dụng tiêu dùng của Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Bằng những chương trình cụ thể, Agribank đang nỗ lực mang dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng góp phần tạo nên thành công của ngành nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn; tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn tích cực đi đầu trong hoạt động xã hội từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới cộng đồng và vì sự phát triển của cộng đồng. Đến nay, dấu ấn nghĩa tình Agribank đã lan tỏa đến mọi miền từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đến nhiều hộ nghèo tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Đặc biệt, trong hành trình dựng xây và phát triển 35 năm qua, các hoạt động "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", tri ân gia đình có công với cách mạng được cán bộ, đoàn viên thanh niên Agribank chú trọng và quan tâm.
Trên các vùng miền của Tổ quốc, những mái ấm đồng đội, mái ấm tình thương dành cho các hộ nghèo, mang dấu ấn của Agribank đã và đang được hình thành. Phong trào phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi và tặng quà thương bệnh binh, người có công với cách mạng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công tại các địa phương… đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Lãnh đạo Agribank chia sẻ là trụ cột của hệ thống ngân hàng, Agribank có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này. Agribank luôn tăng cường giáo dục ý thức, thái độ trách nhiệm đến cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống về tinh thần "tương thân tương ái", "uống nước nhớ nguồn".
Công tác chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách luôn được các chi nhánh Agribank trong toàn hệ thống tích cực thực hiện và đã trở thành truyền thống tốt đẹp.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Agribank Kon Tum cho biết những chương trình lớn trong công tác an sinh xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa... do địa phương phát động, ngân hàng đều tham gia rất tích cực cả về tài chính lẫn con người.
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù hoạt động kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng vượt lên trên cả ý thức và trách nhiệm là tình cảm chân thành của toàn thể CBNV Agribank trong hoạt động chia sẻ với cộng đồng.
Toàn hệ thống Agribank mỗi năm đã ủng hộ kinh phí 300-400 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tài trợ giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn... Chỉ tính riêng trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng và 600 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. Đây là nỗ lực của Agribank trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, thể hiện trách nhiệm của Agribank đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Với những đóng góp tích cực cùng ngành ngân hàng góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong nhiều năm qua, Agribank được ghi nhận là ngân hàng vì cộng đồng; là doanh nghiệp có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới; là doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và phát triển cộng đồng…
Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh của toàn hệ thống, công tác an sinh xã hội đã được Agribank thực hiện hiệu quả, tiếp tục xây dựng, lan tỏa và kết nối những hoạt động an sinh với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Mỗi chương trình an sinh xã hội của Agribank chính là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, là sự kết nối từ trái tim đến trái tim của mỗi cán bộ, nhân viên Agribank trên hành trình lan tỏa những giá trị nhân ái và xây dựng hình ảnh một ngân hàng vì cộng đồng.
Anh Minh