Xác định là một ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước lớn đi đầu trong thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm, Agribank nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt khó, nỗ lực kinh doanh an toàn, hiệu quả, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Agribank là ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng khi đã có tới 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tuy hoạt động ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ nền kinh tế, nhưng ngân hàng chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế. Lãnh đạo cho biết, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.
Bên cạnh các giải pháp giảm lãi suất, ngân hàng còn đồng thời triển khai tích nhiều chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi cho cả doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, đến hết tháng 6 đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31, Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho 893 khách hàng; doanh số cho vay 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 57,4 tỷ đồng.
Ngoài ra để hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, Agribank không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, các loại phí từ ngày phát sinh nợ quá hạn đến ngày khách hàng thực hiện trả nợ.
Các chương trình tín dụng lãi suất thấp được ngân hàng triển khai tích cực với quy mô lớn, đối tượng đa dạng như chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất cho vay VND ưu đãi chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 3%/năm; dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP… Agribank còn giảm tới 3% lãi suất cho khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian 31/01/2023 đến 31/12/2024.
Mặc dù nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn, qua báo cáo và theo dõi hoạt động, Phó Thống đốc ghi nhận đánh giá cao biểu dương tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng của Agribank tiếp tục khẳng định được vị trí vai trò của NHTM Nhà nước trong việc chấp hành chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN. Cụ thể, Agribank đã giảm 14 lần lãi suất huy động, 7 lần giảm lãi suất cho vay, và chú trọng tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng. Thu dịch vụ duy trì ổn định; điều hòa vốn luân chuyển vốn trong hệ thống nhịp nhàng, nhanh nhạy vừa giảm chi phí vừa tạo điều kiện cho các chi nhánh có nguồn vốn cho vay kịp thời. Điểm tích cực nữa là tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng ở mức hơn 130% trong bối cảnh áp lực trích lập dự phòng rủi ro tăng cho thấy ngân hàng đã rất cố gắng vừa đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn.
Dự báo môi trường kinh doanh trong những tháng cuối năm còn nhiều bất định. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô dự kiến còn nhiều khó khăn, để hoàn thành toàn diện kế hoạch cả năm 2023, lãnh đạo Agribank cho biết, toàn hệ thống ngân hàng tập trung tối đa mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt các giải pháp kinh doanh 6 tháng cuối năm. Theo đó, Agribank tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình cân đối vốn, chủ động dự báo để điều hành linh hoạt lãi suất, chi phí điều vốn nội bộ... nhằm đảm bảo cân đối, tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục tập trung tăng trưởng nguồn vốn không kỳ hạn, góp phần giảm chi phí đầu vào, đảm bảo tài chính của chi nhánh và toàn hệ thống.
Về công tác tín dụng, Agribank tiếp tục chủ động, linh hoạt bám sát diễn biến thị trường, tập trung chỉ đạo tăng trưởng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi tốt, giữ vững thị phần, hy sinh lợi ích tài chính để tăng trưởng quy mô khách hàng, lĩnh vực tiềm năng như dệt may, da giầy... Song song với đó, triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, sản phẩm hiện có, áp dụng lãi suất phù hợp để duy trì khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tốt, thực hiện chính sách khách hàng theo đối tượng quản lý, nâng cao sức cạnh tranh của chi nhánh, tận dụng thời cơ để trưởng tín dụng. Một trong giải pháp trọng tâm của Agribank trong giai đoạn tới là tập trung xây dựng, triển khai kịp thời các chương trình, sản phẩm tín dụng mới có tính ổn định, kế thừa, phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại từng địa bàn nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
Anh Minh