Ảnh: AP |
Hàng triệu người Ai Cập đã đổ xuống đường biểu tình ngày 30/6, đòi Tổng thống Mohamed Morsi từ chức nhân mốc một năm ông lên cầm quyền. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ làn sóng chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011.
Hỗn loạn
Tối 30/6, hàng triệu người biểu tình đã vây kín Quảng trường Tahrir, các con phố xung quanh Phủ tổng thống ở quận Heliopolis ở thủ đô Cairo. Việc di chuyển qua đám đông rất khó khăn và sóng di động tại các khu vực này luôn bị quá tải. Máy bay trực thăng của quân đội liên tục quần đảo trên hai địa điểm này. Các quảng trường lớn tại thành phố Alexandria, các tỉnh nằm ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile và vùng Thượng Ai Cập cũng đông nghịt người biểu tình phản đối chính phủ.
Trong khi đó, theo nhật báo nhà nước "Al Ahram", hàng trăm nghìn người biểu tình Hồi giáo tập trung trước cửa thánh đường Rabaa Al-Adawiya tại quận Nasr City phía Đông thủ đô Cairo. Cuộc biểu tình này khởi phát từ ngày 28/6 theo lời kêu gọi của 17 đảng phái Hồi giáo, dẫn đầu là Đảng Tự do và Công lý (FJP) - nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo - nhằm ủng hộ tính chất hợp pháp của Tổng thống.
Chiều cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Phủ tổng thống Ai Cập Ehab Fahmi lên tiếng hối thúc tất cả các lực lượng chính trị giữ gìn trật tự trong các cuộc biểu tình đối kháng đang diễn ra trên khắp cả nước, nhấn mạnh đối thoại là cách thức duy nhất để đạt được đồng thuận, đồng thời khẳng định Tổng thống Mohamed Morsi muốn thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc một cách nghiêm túc nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng phân cực hiện nay.
Phủ tổng thống cũng tuyên bố Ai Cập sẽ không bao giờ chấp nhận hành động can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của nước này. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi ông Morsi và phe đối lập tiến hành đối thoại. Phủ tổng thống Ai Cập cũng bác bỏ thông tin về việc các tướng lĩnh quân đội nước này đang liên lạc với các thủ lĩnh đối lập nhằm thuyết phục họ chấp nhận lời kêu gọi đối thoại của Tổng thống Morsi.
Theo hãng thông tấn chính thức MENA, trước nguy cơ xảy ra đụng độ bạo lực, Bộ Nội vụ Ai Cập đã siết chặt an ninh và cho triển khai xe bọc thép xung quanh khu vực Quốc hội, Thượng viện và Văn phòng chính phủ nằm gần quảng trường Tahrir. Cảnh sát cũng đã sử dụng 4 máy bay trực thăng để giám sát người biểu tình tại quảng trường này; tuy nhiên rất ít vụ bạo lực được ghi nhận trong các cuộc biểu tình ngày 30/6.
Tính đến 23 giờ (theo giờ địa phương), có 7 người thiệt mạng tại các tỉnh Assiut và Beni Sueif thuộc vùng Thượng Ai Cập trong hai vụ tấn công của các tay súng không rõ danh tính nhằm vào đám đông biểu tình tập trung trước cửa các văn phòng của đảng FJP cầm quyền.
Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập thông báo đã có tổng cộng 613 người bị thương một số địa phương.
…vì sao?
Ảnh: AP |
Những người biểu tình bất mãn với các chính sách của ông Morsi vốn có lập trường Hồi giáo bảo thủ và và những đồng minh của ông thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.
Các nhà hoạt động đối lập cho biết hơn 22 triệu người đã ký vào một đơn kiến nghị yêu cầu tổ chức bầu cử đột xuất. Phe đối lập đã kêu gọi những người ký tên cùng xuống đường ở Quảng trường Tahrir.
Một phong trào quần chúng có tên là Tamarod (Phản kháng) đã phát động đơn kiến nghị này vốn đã đoàn kết được các nhóm đối lập tự do và thế tục, trong đó có Mặt trận Cứu quốc.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC), các cuộc biểu tình diễn ra tại Ai Cập sau một năm cầm quyền của Tổng thống Mohamed Morsi đã phá vỡ mọi kỷ lục, với tổng cộng 9.427 cuộc.
Theo báo cáo thống kê từ 1/7/2012 - 20/6/2013, trong năm cuối cùng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak - người bị lật đổ trong làn sóng chính biến đầu năm 2011, mỗi tháng trung bình chỉ có 176 cuộc biểu tình, con số này đã tăng gấp 7 lần dưới thời ông Morsi và đạt trung bình 1.140 cuộc mỗi tháng kể từ đầu năm 2013.
Trong tổng số 9.427 cuộc biểu tình nổ ra trong năm vừa qua, có tới 4.609 cuộc biểu tình của người lao động Ai Cập. Đáng chú ý là các cuộc biểu tình do các chính đảng và các nhà hoạt động dân sự chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp với 13%.
Hầu hết các cuộc biểu tình nhằm bày tỏ thái độ bất bình về các vấn đề kinh tế và xã hội; đòi hỏi quyền lợi lao động, nhà ở và các dịch vụ tốt hơn; phản đối tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, bánh mì và điện. Ngoài ra, việc chính quyền của Tổng thống Morsi nỗ lực thâu tóm quyền lực, gạt phe đối lập ra ngoài lề và siết chặt các quyền tự do cũng là những nguyên nhân chính làm bùng nổ các cuộc biểu tình.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa rồi, IDC cũng công bố một báo cáo cho biết số lượng các cuộc biểu tình diễn ra tại Ai Cập vào tháng 3/2013 cao nhất thế giới với 1.354 cuộc. Theo đó, Ai Cập chưa bao giờ chứng kiến số lượng các cuộc biểu tình lớn đến như vậy, kể cả vào đỉnh điểm ngày 25/1/2011. Theo thống kê trong tháng 3 vừa qua, Ai Cập có tới 1,8 cuộc biểu tình mỗi giờ, 44 cuộc biểu tình mỗi ngày và 306 cuộc biểu tình mỗi tuần.
Lam Bình