Sự kiện quốc tế InnoEx 2024 được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo không gian giới thiệu, kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Không chỉ thể hiện sự chủ động liên kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp TPHCM trong việc nắm bắt xu hướng mới về đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh và phát triển bền vững để nâng cao tính cạnh tranh thị trường trong nước, sự kiện này còn thể hiện được vai trò, trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp cùng Thành phố góp phần đưa hoạt động đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển bền vững.
InnoEx 2024 dự kiến tiếp đón hơn 30.000 lượt khách tham dự, trong đó có 4.000 CEO, các cấp lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia đầu ngành, hơn 85 quỹ đầu tư, hơn 150 start-up Việt Nam và Đông Nam Á.
Đặc biệt, khu vực triển lãm của InnoEx thu hút hơn 260 đơn vị trong nước và quốc tế hội tụ trưng bày giải pháp đa lĩnh vực đến từ các hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), start-up công nghệ nổi bật có thể kể đến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia…
Sau phiên khai mạc, InnoEx tiếp tục đến với diễn đàn đổi mới kinh doanh với sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp đã và đang có những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn An Nguyên, sáng lập kiêm Tổng giám đốc Trusting Social, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tổng quát (Artificial general intelligence - AGI), tạo nên một cuộc cách mạng thật sự, ảnh hưởng đến hầu hết mọi ngành nghề trong cuộc sống. Cuộc cách mạng này có mức độ tác động tương đương với những bước tiến vượt bậc trước đây như sự ra đời của máy tính cá nhân, internet…
"Việc AGI có thêm khả năng tư duy sẽ là cơn 'đại hồng thủy' thay đổi hoàn toàn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Cuộc cách mạng này không trừu tượng, nó đang diễn ra quanh ta", ông Nguyễn An Nguyên nói.
Đồng quan điểm trên, ông Il-Dong Kwon, Giám đốc Điều hành và Trưởng bộ phận đối tác BCG Vietnam cho biết, các khảo sát do công ty thực hiện cho thấy những doanh nghiệp đã áp dụng AI tạo sinh (GenAI) ghi nhận mức tăng trưởng ít nhất 2,6%, đồng thời có tiềm năng bao phủ thị trường rộng lớn hơn. Nhiều bộ phận trong công ty được tối ưu chi phí và thời gian ghi áp dụng GenAI, chẳng hạn marketing tiết kiệm đến 95% sức lực, còn sản xuất video tiết kiệm được 50% công sức. Tương tự, đối với ngành ngân hàng, ông Il-Dong Kwon cho biết chi phí trả tiền cho nhân viên trực tổng đài đã được nhiều đơn vị giảm chỉ còn 1/10 so với chi phí trước khi áp dụng AI.
Chia sẻ về AI, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư U&I cho biết, tại công ty ông, hầu hết các lãnh đạo đều đang có trợ lý AI. Theo dự báo, trong 3-5 năm nữa, các công ty thành viên thuộc công ty sẽ hình thành những nền tảng lõi AI, giúp hỗ trợ trong việc đưa ra các quyết định quan trọng; hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống sẽ không cạnh tranh được với những hoạt động có tích hợp AI.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc ứng dụng AI, nhưng ông Steven Trương, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Vinbrain cho rằng, yếu tố quan trọng khi áp dụng AI là quản lý rủi ro, cả đầu vào lẫn đầu ra thông tin. Về đầu vào, nguồn dữ liệu các đơn vị cung cấp cho AI phải chính xác mới có thể cho kết quả chính xác. Về đầu ra, các đơn vị cần có những cách thức tái kiểm tra các kết quả từ AI, tránh trường hợp phó thác hoàn toàn vào AI.
Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 (Vietnam CEO Forum 2024), một hoạt động nổi bật trong khuôn khổ InnoEx 2024, ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho rằng, sau giai đoạn phát triển nhanh nhờ lợi thế về nhân công giá rẻ, tài nguyên và những chính sách kích thích đầu tư, thì các quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với "bẫy thu nhập trung bình".
Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.
Để đạt được những mục tiêu phát triển này và vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", Việt Nam và các doanh nghiệp phải tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới mà nơi đó giá trị gia tăng dựa trên tính sáng tạo là nền tảng.
Ông Lê Trí Thông cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm một mô hình mới mà ở đó giá trị gia tăng cao hơn, những giá trị được tạo ra từ hoạt động sáng tạo và đổi mới, đặc biệt là khả năng sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ chiến lược của TPHCM
Phát biểu tại phiên khai mạc InnoEx 2024, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong những năm qua, TPHCM đã ban hành và thực thi nhiều chính sách đa dạng và đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, với sự triển khai mạnh mẽ, quyết liệt từ chính quyền Thành phố và sự tham gia tích cực, lan tỏa sâu rộng của cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Bùi Xuân Cường cho rằng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TPHCM đang được đánh giá năng động nhất cả nước, chiếm 50% số lượng start-up, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% dòng vốn đầu tư, 60% các thương vụ, đồng thời đang hình thành các mối liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Anh Lê