In bài viết

Alexandria- Hòn ngọc bên bờ Địa Trung Hải

(Chinhphu.vn)- Alexandria nằm ở phía Tây Bắc sông Nile, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của Ai Cập, được mệnh danh là Hòn ngọc bên bờ Địa Trung Hải.

30/05/2010 08:34

Alexandria có hơn 2.000 năm tuổi, cách thủ đô Cairo 225 km, với dân số hơn 4 triệu người là thành phố lớn thứ 2 của Ai Cập, thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc bên bờ Địa Trung Hải” bởi còn lưu giữ nhiều dấu tích của lịch sử.

Alexandria ngày nay

Thành phố của Alexander Đại Đế

Năm 334 trước Công nguyên (TCN), vua xứ Macedonia là Alexander III (sau đó nổi tiếng với danh hiệu Alexander Đại Đế) thống lĩnh liên quân Macedonia – Hy Lạp  xâm lăng đế quốc Ba Tư. Cuối năm 332 TCN Alexander Đại Đế chiếm được Ai Cập từ  tay Ba Tư.

Tháng 4/ 331 TCN, Alexander ra lệnh xây dựng một thành phố mới mang tên ông - Alexandria tại địa điểm của một thành phố cổ có từ thời các Pharaon.

Vào khoảng thế kỷ III-II TCN, dưới triều các vua Ptolemy đầu tiên, Alexandria trở thành trung tâm của đế quốc Ai Cập. Sau đó Alexandria rơi vào ách chiếm đóng của ngoại bang.

Thành phố Alexandria dài khoảng 32 km nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải; là một trung tâm kỹ nghệ lớn nhờ có khí đốt và ống dẫn dầu đến từ kênh đào Suez. Các ngành kỹ nghệ tại Alexandria gồm có nhà máy lọc dầu, nhà máy xi-măng, xưởng đóng tàu, dệt vải, thuộc da, làm giấy, kỹ nghệ thực phẩm, hóa chất và cơ khí. Alexandria cũng là một trung tâm mậu dịch quan trọng giữa châu Âu và châu Á nhờ vị trí gần kênh đào Suez.

Là thành phố hiện đại nhất về mặt kiến thiết đô thị thời cổ đại, Alexandria nổi tiếng với những công trình kiến trúc hùng vĩ. Ngoài thư viện Alexandria được coi là thư viện đầu tiên và lớn nhất thế giới với hơn 700.000 đầu sách tập hợp công trình của các nhà bác học, các nhà văn lớn thế giới và Hy Lạp như  Archimedes, Euclide..., Alexandria còn có ngọn hải đăng nổi tiếng,  niềm tự hào của nhân loại, là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại…

Những dấu tích huy hoàng

Ngày nay, những hình ảnh về thành phố Alexandria cổ không còn trong thực tế. Tuy nhiên, với nhiều công trình kiến trúc còn lại từ thời cổ xưa, Alexandria có nhiều di chỉ khảo cổ đang được tiếp tục khám phá, đồng thời là điểm du lịch vô cùng hấp dẫn.

Ngọn hải đăng Alexandria

Hải đăng Alexandria

Hải đăng xây dựng vào thời vua Ptolemy I, khánh thành khoảng năm 283 TCN . Ngoại trừ Kim tự tháp ở Giza, hải đăng là công trình cao nhất trong thế giới cổ đại (được ước tính trong khoảng từ 115 – 135 m) và là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.

Ngọn hải đăng Alexandria được xây dựng từ những khối đá lớn sáng màu, với 3 tầng tháp, đỉnh hình tròn. Trên đỉnh tháp có đặt một tấm guơng  phản chiếu ánh mặt trời vào ban ngày hay một ngọn lửa  vào ban đêm.

Hải đăng đặt ngay lối vào cảng Alexandria,  ở vị trí hiện nay là một pháo đài được xây dựng vào thời Trung cổ (pháo đài Qait Bey). Nó đã  ngừng hoạt động và bị phá huỷ nặng nề sau 2 hai trận động đất trong thế kỷ XIV.

Pháo đài Qait Bay

Pháo đài  là một trong những thành lũy bảo vệ quan trọng không những của Ai Cập mà còn của cả eo biển Địa Trung Hải từ thế kỷ XV.

Qait Bay nằm ở phía Đông đảo Pharos, ngay vị trí trước kia của ngọn hải đăng Alexandria. Xây theo kiểu trung cổ, pháo đài  Qait Bay đã được  tái thiết vào năm 2001-2002; bên trong có Viện Bảo tàng Hải quân trưng bày nhiều cổ vật của những trận hải chiến thời La Mã và thời Napoléon.

Thánh đường Abu El Abbas El Mursi  

Được xây dựng năm 1775, là một công trình kiến trúc lớn và quan trọng nhất của người Hồi giáo ở Alexandria, thánh đường rộng 3.000m2 với 2 cổng chính đối diện quảng trường. Các bậc thang ở mỗi cổng được xây bằng đá granite.

Phần chính của thánh đường hình bát giác, mỗi cạnh dài 22m. Sàn lát đá cẩm thạch trắng, các bức tường cao 23m ốp đá nhân tạo. Trần được trang trí các loại chữ Arập được 16 cột đá hình bát giác chống đỡ. Thánh  là nơi thực hiện những nghi lễ thiêng liêng của người Hồi giáo.

Bảo tàng Hy - La

Đây là bảo tàng quan trọng nhất của Alexandria, được xây dựng năm 1892. Nơi này có 27 phòng triển lãm lưu giữ 40.000 hiện vật của thời đại Hy Lạp-La Mã từ thế kỷ thứ III  TCN  đến thế kỷ VI, phản ánh khá nhiều về đời sống và văn minh Hy-La tại Ai Cập.

Mỗi phòng trưng bày một loại cổ vật khác nhau từ tượng các vị thần Hy Lạp cổ đại đến những bộ sưu tập nữ trang bằng vàng, bạc, đồng đầy màu sắc. Trong số các hiện vật, đáng chú ý nhất là bộ sưu tập tiền đồng lớn của nhiều quốc gia được sắp xếp theo niên đại từ năm 630 TCN  đến thế kỷ XIX.

Tại Bảo tàng Hy – La còn có bức tượng Thần bò Apis thiêng liêng của người Ai Cập bằng đá granite đen; những xác ướp, các cỗ quan tài đá, thảm dệt tay với hình ảnh sống động...

Cột trụ Pompey

Cột trụ Pompey trên vệ thành cổ của Alexandria là một trong số ít các công trình từ thời cổ đại của thế giới còn nguyên vẹn đến ngày nay. 

Cột trụ Pompey là một khối đá granite đỏ được đánh bóng có đường kính 2,7m dưới chân và vuốt nhọn lên đỉnh còn 2,4m, cao 30m tính từ chân đế với thể tích 132m3, nặng xấp xỉ 396 tấn. Ban đầu Pompey là một phần trong dãy cột của ngôi đền Serapeum. Trải qua nhiều biến cố của thiên nhiên và lịch sử, ngôi đền không còn, chỉ còn lại cây cột trụ.

Cột trụ Pompey

Cách đó không xa là khu hầm mộ Kom al- Shoqafa, được mệnh danh là 1 trong 7 kỳ quan của thời trung cổ, là nơi chôn cất người chết từ thế kỷ II đến thế kỷ IV và được khai quật năm 1900.

Kom al- Shoqafa như một mê cung 3 tầng sâu 30m với các lăng mộ chứa nhiều cỗ quan tài đá và các bức tượng theo phong cách Ai Cập nhưng quần áo và kiểu tóc theo lối La Mã. Trong hầm mộ có một cầu thang tròn từng dùng để vận chuyển xác ướp xuống. Cầu thang này còn dẫn đến những ngôi mộ nằm trong hầm đá có niên đại từ thế kỷ thứ II.

Alexandria ngày nay còn nổi tiếng với Trường Đại học Alexandria được thành lập vào năm 1942; 2 cung điện hoàng gia là cung điện Ra’s at-Tin ở đảo Paros và cung điện Al-Muntazah, ở đầu phía đông của đại lộ Al-Jaysh.

Ngọc Ánh (tổng hợp)