Nhiều người dân thành phố Tuyên Quang và địa phương khác trong tỉnh đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng về hậu quả mà cơn lũ lên rất nhanh và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Trận lũ từ ngày 10 đến ngày 12/9 là trận lũ lớn nhất tại Tuyên Quang trong khoảng 20 năm trở lại đây. Lũ lớn, nước lên nhanh đã nhấn chìm nhiều tuyến phố, làng mạc.
Tại thành phố Tuyên Quang chỉ trong vài giờ lũ đã tràn vào phần lớn các đường phố, nhà cửa của người dân. Nhiều ngôi nhà, tuyến phố bị ngập sâu, có nơi trên 1m và bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Mặc dù đến trưa ngày 12/9 lũ đã rút nhưng những hệ lụy của nó vẫn còn đó. Nhà cửa, hoa màu ngập trong biển nước, đê điều bị sạt lở, môi trường bị ô nhiễm. Lũ rút để lại lớp bùn đất nhão nhoét, khối lượng lớn rác sinh hoạt, cành cây và đồ vật chất đống trên các tuyến phố.
Dù thiệt hại là rất lớn nhưng tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó, chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ của người dân Tuyên Quang không hề bị khuất phục.
Với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, Công an ngay từ sáng 12/9, người dân nơi đây đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau chung tay làm công tác vệ sinh môi trường. Sức mạnh của sự đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của từng gia đình, từng khu phố, làng mạc và trong cả cộng đồng được nhân lên gấp bội trong mưa lũ, trong khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngay từ sáng 12/9, phóng viên báo Điện tử Chính phủ đã có mặt tại đường Lê Lợi, Tổ 6, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang – một trong những nơi bị ngập sâu trong đợt lũ này và cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết, đùm bọc và tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua mưa lũ của người dân nơi đây.
Ngay khi lũ rút, từng gia đình của khu phố này sau khi đã dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, không ai bảo ai đã cùng thu gom rác, đồ vật, dọn bùn đất trên vỉa hè đường phố.
Khối lượng rác và bùn đất rất lớn nhưng với sự góp sức của hàng trăm con người đã dần được dọn dẹp, thu gom và tập kết chờ xe của Công ty Môi trường đô thị đến vận chuyển.
Ông Bùi Việt Sơn, Tổ 6, phường Tân Quang cho biết: Cửa hàng tạp hóa của gia đình bị nước tràn vào từ 6 giờ tối 10/9 và ngập sâu khoảng 1m. Tuy nhiên, do gia đình đã chủ động kê cao đồ vật và chuyển hàng hóa lên cao nên đã không bị thiệt hại nhiều.
"Ngay sau khi lũ rút cùng với việc dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại hàng hóa để phục vụ bà con, chúng tôi đã cùng người dân trong tổ dân phố vệ sinh, dọn dẹp bùn đất, rác do lũ để lại tại đường phố để đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ. Bà con ở đây rất tích cực cùng chung tay, góp sức để khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống và phòng chống dịch bệnh".
Ông Đỗ Minh Ngọc, số nhà 25, tổ 6, phường Tân Quang cho biết: "Mình vì mọi người, mọi người vì mình, cùng nhau đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau thì hậu quả mưa lũ sẽ sớm được khắc phuc, cuộc sống sau lũ sẽ sớm ổn định".
Đáng chú ý, cả hệ thống chính trị của tỉnh Tuyên Quang đã cùng vào cuộc kịp thời, hiệu quả để giúp người dân ổn định cuộc sống sau lũ. Ngay sau khi lũ rút, Công ty Vệ sinh môi trường thành phố Tuyên Quang đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường, khôi phục cảnh quan của thành phố.
Khối lượng công việc rất lớn nhưng với sự giúp đỡ của người dân, cán bộ đoàn viên các đoàn thể, lực lượng vũ trang, công an, thanh niên tình nguyện những người công nhân vệ sinh môi trường đã giảm phần nào vất vả; có thêm niềm tin và động lực để khắc phục hậu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường sau lũ.
Trong ngổn ngang của phố phường sau mưa lũ, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Công an thành phố Tuyên Quang, Công an tỉnh Tuyên quang đã được huy động để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thiếu tá Trịnh Ngọc Anh, Phó Trưởng CATP Tuyên Quang chia sẻ: "Đơn vị đã huy động 100% lực lượng, phương tiện để đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời tổ chức ứng phó với lũ, hỗ trợ, cứu trợ người dân trong mưa lũ.
Khi lũ rút, bùn, rác la liệt ở các tuyến phố. Ngay từ 5h sáng ngày 12/9 chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng ra các tuyến đường hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Khối lượng công việc rất nhiều, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Đô thị làm đến đâu gọn đến đấy để vận chuyển đi nơi khác tập kết".
Không thể không nhắc đến sự vất vả, hết mình của những người thợ điện đối với người dân vùng lũ. Bóng dáng màu áo cam có lẽ đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Tuyên Quang, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và lũ lụt từ ngày 9 đến ngày 12/9 đã làm cho 14 đường dây trung thế bị sự cố. Đến thời điểm hiện tại đã khôi phục 5 đường dây.
Công ty Điện lực Tuyên Quang đã phải cắt điện khẩn cấp do mực nước lũ dâng cao vi phạm khoảng cách an toàn 78 đoạn đường dây trung thế và 782 TBA phân phối. Đến trưa ngày 12/9 đã khôi phục 22 đường dây trung thế và 508 TBA phân phối.
Ông Nguyễn Phú Phượng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết: "Chúng tôi đã triển khai một loạt biện pháp huy động toàn bộ nhân lực của Công ty ứng trực bảo đảm an toàn điện trong mưa lũ. Nước lũ lên đến đâu phải tiến hành cắt điện ngay đến đó để đảm bảo an toàn cho lưới điện và người dân".
Đến nay, nước đang rút, PC Tuyên Quang đã huy động mọi lực lượng tiến hành rà soát, kiểm tra đủ điều kiện an toàn sẽ nhanh chóng cấp điện trở lại cho người dân. Ưu tiên đóng điện các phụ tải quan trọng như bệnh viện, nhà máy nước, khu vực trung tâm đầu não hành chính của tỉnh, đảm bảo phục vụ vệ sinh môi trường.
"Đối với khu vực thành phố Tuyên Quang, khu vực nào đủ điều kiện an toàn sẽ cấp điện trở lại ngay. Đến 17h ngày 12/9 cơ bản cấp điện trở lại trên toàn thành phố", ông Phượng cho biết.
Cùng với nỗ lực vượt khó của người dân, những ngày này người dân vùng lũ tại tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung đang được Nhân dân cả nước hướng về, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ để vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau lũ.
Trên đường từ Tuyên Quang trở về Hà Nội chứng tôi bắt gặp hàng đoàn xe chở hàng cứu trợ mang theo tình cảm yêu thương, đùm bọc, nghĩa tình của đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc, ủng hộ giúp dỡ người dân vùng lũ.
Các chuyến hàng cứu trợ này đều là những nhu yếu phẩm cần thiết, tiện sử dụng cho người dân vùng mưa lũ. Đó là thực phẩm, chủ yếu là đồ ăn liền, nước uống, thuốc men, vật tư y tế, áo phao, xuồng cứu hộ…
Vượt hơn một trăm cây số, anh Nguyễn Minh Tuyền và đoàn cứu trợ tỉnh Hòa Bình đã có mặt tại Tuyên Quang ngay khi được tin lũ rút.
Anh Tuyền cho biết, hiện Hòa Bình có 2 đoàn cứu trợ tại tỉnh Tuyên Quang, một đoàn chở trang thiết bị, vật tư y tế cùng nhu yếu phẩm, một đoàn chở 10 chiếc thuyền cho bà con vùng lòng hồ thủy điện. Đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.
"Chúng tôi đã quyên góp hàng chục tấn nhu yếu phẩm, chủ yếu là thuốc thang, nước uống đóng chai, bánh, xúc xích để bà con vùng lũ Tuyên Quang có thể sử dụng ngay. Hy vọng sự hỗ trợ kịp thời này sẽ góp phần giúp bà con giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau lũ"
Rất nhiều đoàn cứu trợ như thế đang ngày đêm mang sự sẻ chia, tình cảm yêu thương, đùm bọc của người dân cả nước tiếp tục đến với người dân vùng lũ.
Trong những ngày này, những cán bộ ủa Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã làm việc không ngừng nghỉ để tiếp vận động, tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ cũng như sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, đơn vị, tổ chức cá nhân quyên góp, ủng hộ cho người dân vùng lũ
Bà Tăng Thị Dương, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết: UBMTTQ tỉnh Tuyên Quang đã bám sát cơ sở, bám sát Nhân dân với phương châm "4 tại chỗ", không để cho người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm sau lũ.
MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã có thư kêu gọi tổ chức, cá nhân ủng hộ bà con vùng lũ tái thiết sản xuất ổn định đời sống sau lũ. Chúng tôi sẽ huy động sức dân để khắc phục hậu quả bão lụt. Khi huy động nguồn lực chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại trực tiếp ở vùng chân đập thủy Điện Na Hang và Chiêm Hóa"
Mỗi tấm lòng, mỗi hành động dù nhỏ nhưng đều góp phần tạo nên bức tranh đầy ấm áp và nhân văn trong những ngày Tuyên Quang khắc phục hậu quả thiên tai. Và giữa muôn vàn khó khăn chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn sức mạnh của tình người, sức mạnh của sự đoàn kết, đùm bọc và sẻ chia.
Toàn Thắng