|
"Gian nan lắm!", ông Nguyễn Đình Lượng, Quyền Giám đốc Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) kể về chuyện xây mới, lắp đặt trạm khí tượng thủy văn như thế. "Gian nan" theo cả nghĩa đen bởi có trèo đèo lội suối, có vượt thác băng ghềnh và cả nghĩa bóng, bởi phải theo những thủ tục dằng dặc mới có được tấc đất cắm trạm.
* "Kéo pháo" thời hiện đại
Anh Quách Cao Thanh - Phó trưởng Phòng Thủy văn (Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường) theo đuổi dự án Tăng cường hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam - giai đoạn I (sử dụng vốn ODA Italia) từ những ngày đầu, năm 2005. Anh đã đi khảo sát, kiểm tra ở đủ 74 trạm.
Hình ảnh kéo pháo từ chiến dịch Điện Biên Phủ ngày trước lại tái hiện ở dự án này khi dự án tiến hành kéo cột thiết bị lên đỉnh Bạch Mã. Anh Thanh kể, đó là lần lắp thiết bị cho trạm truyền sóng radio trung gian trên đỉnh Bạch Mã cao hơn 1.400 m so với mặt biển. Cột truyền sóng đã thu gọn rồi mà vẫn dài tới 8,5 m, không xe nào chở được trên đường núi đá dốc. Những người dân địa phương kiếm được một cái xe hai bánh đặt cột lên rồi hò nhau kéo. "Đã đi được 20km rồi, chỉ còn 800 m nữa là lên tới đỉnh thì không kéo thêm được nữa. Đường toàn đá lổn nhổn, thế là anh em xắn tay vào vác lên", anh Thanh kể.
Còn để tìm địa điểm đặt Trạm Thủy văn Tân Lâm (Tuyên Hóa - Quảng Bình), đội khảo sát phải dùng thuyền nan. "Hôm nào may nước đầy thì ít phải xuống kéo thuyền. Chứ gặp hôm nước cạn, gặp ghềnh đá là lội nước, lòng suối toàn đá lởm chởm lại dốc, trượt chân rồi ngã là chuyện thường", anh Thanh nói vui, "mà con suối đó chỉ có gần… 20 cái ghềnh, đi thuyền mất 2 tiếng rưỡi thì vào tới xã".
Vài ba chuyến đầu đi khảo sát, lắp đặt thiết bị chỉ có thuyền độc mộc. Ông chuyên gia người Italia mập quá, chủ thuyền không dám cho lên, ấm ức vì phải ở lại trung tâm huyện. Năm sau, nghe tin có đường ôtô thì mừng lắm, quyết vào một chuyến, bất kể khó khăn. Thế là từ Đồng Hới, xe đi ngược ra Hà Tĩnh 150 km, rồi rẽ đường nhánh vào trạm. "Nhưng chỉ còn cách trạm mươi, mười lăm cây số thì xe phải dừng bởi đường lầy lội ngập cả bánh xe. Ông chuyên gia lại lỡ hẹn tới Tân Lâm".
* Xin 16m2 đất trong… 4 năm
Đó là chuyện xin cấp đất xây dựng Trạm Khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình). Từ năm 2006, Trung tâm bắt đầu khảo sát địa điểm và có Công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cấp cho 16 m2 để xây dựng vườn khí tượng. Vị trí đó hợp lý để đặt trạm bởi không có công trình vi phạm hành lang nhưng lại ở trung tâm thành phố nên nhiều lần địa phương lần lữa. Sau mấy năm, có vị lãnh đạo Bộ TN &MT có ý kiến với tỉnh, việc xin đất mới xong.
Chuyện xin cấp đất ở Đắkrông (Quảng Trị) còn hài hước hơn. Tỉnh, huyện, xã đã có giấy tờ đồng ý cấp đất rừng ven sông Đắkrông nhưng người dân ở đó thì không chịu. Cuối cùng phải đặt thiết bị trên cầu.
Trong số 74 trạm được xây dựng, lắp đặt trong dự án thì có 5 "trạm" lắp đặt trên cầu, là Thạnh Mỹ, Đắkrông, Hiệp Đức, Bình Điền và Cẩm Lệ. Đây là 5 trạm thủy văn lắp trên cầu đầu tiên trong hệ thống mạng lưới trạm nước ta.
"Lắp thiết bị đo thủy văn trên cầu là điều kiện lý tưởng bởi vị trí rất chắc chắn, dễ kiểm tra nhưng thủ tục lại rất lòng vòng", anh Thanh nói. Để xin giấy phép lắp bộ thiết bị đo mực nước và lưu lượng nặng khoảng 10 kg trên cầu Thạnh Mỹ, anh Thanh phải mang Công văn đi từ Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đến Công ty Quản lý cầu Thạnh Mỹ, rồi trở ra Cục Quản lý đường bộ ngoài Hà Nội, sau đó lại vào Phân khu đường bộ ở Vinh (Nghệ An), cuối cùng lại vào lại Quảng Bình…
Thủ tục lòng vòng như vậy có lẽ bởi chưa có các quy định cụ thể về cấp đất, lắp đặt thiết bị cho ngành khí tượng thủy văn, cũng chưa có tiền lệ lắp thiết bị trên cầu.
* Đổi mới tư duy hiện đại hóa ngành
Gian nan vất vả vậy nhưng cái được, theo ông Nguyễn Đình Lượng, không hề nhỏ. Bởi đây là lần đầu tiên, ngành khí tượng thủy văn thực hiện một dự án trang bị đồng bộ từ thiết bị, hệ thống truyền, xử lý số liệu đến các mô hình dự báo. Từ đây việc hiện đại hóa ngành đã có bước khởi đầu.
|
Với việc sử dụng năng lượng mặt trời để chạy các thiết bị, các thiết bị đo của dự án hoạt động tự động hoàn toàn, cung cấp số liệu tức thời liên tục. Đó là điều kiện quan trọng để nâng chất lượng dự báo. Trong quá trình thực hiện dự án này, cán bộ mạng lưới, quan trắc viên, cán bộ làm công tác dự báo đã được đào tạo khá bài bản, đổi mới tư duy về làm khí tượng kiểu hiện đại và đồng bộ.
Trăn trở của những người làm dự án giờ đây là có nguồn kinh phí để duy trì, bảo dưỡng hệ thống để những nỗ lực "an cư" cho trạm khí tượng không bị lãng quên.
Nhật Tân