In bài viết

An Giang đối mặt lũ mức báo động 5

Hiện nay, hai tỉnh vùng đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp đang chịu áp lực dòng chảy rất mạnh, đỉnh lũ và ảnh hưởng có thể bằng với đỉnh lũ năm 2000. Mỗi ngày mực nước ở vùng đầu nguồn: Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tân Châu (An Giang) dâng thêm từ 8 - 10cm.

27/09/2011 15:41

Đê yếu

Bảy giờ sáng 26/9, mực nước tại Tân Châu là 4,62m (trên BĐ3: 0,12m). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tỉnh có 70km đê bao xung yếu và 300km đê bao cần gia cố thêm.

Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã dùng hết các nguồn tài chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gia cố đê bao nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân và lúa vụ 3 - nguồn doanh thu 1.800 tỉ đồng - đang nằm ngoài đồng; nếu tính cả chăn nuôi thủy sản thì thêm khoảng 1.500 tỉ đồng nữa. Tại An Giang, nếu diện tích lúa thu đông mất trắng vượt con số thống kê ngày 24/9 là 14.059ha thì số tiền để khôi phục diện tích ít nhất cũng mất 14 tỉ đồng.

"Hiện nay nhiều đê bao có vẻ yếu ớt khi nước lũ dâng cao nhanh như mấy ngày qua, nguy cơ 130.000ha lúa thu - đông sẽ bị tổn thất hơn nữa", ông Chín Văn ở xã Vĩnh Tế, nghe theo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động thu hẹp diện tích lúa hè thu, mở rộng diện tích lúa thu - đông, tiếc rẻ nói như vậy. Còn ông Nguyễn Văn Lợi ở Vĩnh Thành (xã Khánh An, huyện An Phú) nuôi 1.000m2 cá lóc trong ao cho hay, ông đã mua lưới, tre, tràm làm hàng rào, tốn thêm 20% chi phí, để ngăn cá trong ao tràn ra ngoài khi nước lũ dâng. Ông Lợi nói: "Nếu không bỏ thêm chừng ấy tiền thì sẽ mất trắng 10 triệu đồng!".

Tại An Giang, tuyến đê Tha La (đoạn thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Tân Châu) đã bị sạt lở mái đê, giải pháp chống đỡ là dùng bao nilon chứa đất hoặc phủ tấm bạt nilon dọc theo tuyến đê đang bị sạt lở để chống chịu sóng lớn, giảm bào mòn trực tiếp. Nhưng mọi hoạt động chống đỡ sẽ bị vô hiệu nếu nước dâng cao hơn. Ông Lê Văn Màng, nông dân thuộc xã Văn Giáo tham gia dự án Du lịch nông nghiệp nói: "Suốt tuần rồi nông dân lo gia cố đê và canh phòng. Nếu vỡ đê phía Vĩnh Tế thì 200ha lúa đang trổ bị nhấn chìm, hoa màu và cá nuôi sẽ bị tiêu hết". May mắn cho ông Màng, tuyến đê Tha La đã được gia cố kịp thời. Nhưng con nước rằm và cuối tháng 9 âm lịch và tình trạng cầm đồng đến đầu tháng 10 âm lịch (tháng 11 dương lịch), liệu các đê bằng đất (ngậm nước) có chịu nổi hay không? Ông không biết được điều gì ở phía trước, trừ việc hiện tại nguồn thu từ du khách đến homestay đang giảm sút.

Hiện nay tại Đồng Tháp cũng có khoảng 7.600/140.000ha lúa vụ 3 có nguy cơ bị ngập sâu rất cao. 40% diện tích lúa trong số này đang ở giai đoạn trổ bông. Hệ thống đê bao ở thị xã Hồng Ngự bị vỡ khiến 200ha lúa thu - đông bị chìm trong nước lũ, tổng thiệt hại lên trên 6 tỉ đồng.

Thiếu đất làm chỗ ở mới cho dân chạy lũ

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, bài học kinh nghiệm đau đớn từ mùa lũ lịch sử năm 2000, cả đồng bằng sông Cửu Long có 500 người chết. Mùa lũ năm nay mọi việc phải ưu tiên số một cho chăm sóc trẻ em, bảo vệ tính mạng con người và tài sản, đưa rước học sinh đến trường có trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ an toàn, dứt khoát không để xảy ra tình trạng chết đuối.

Năm điểm sạt lở dọc theo tuyến sông Hậu và sông Tiền từ đầu mùa lũ đang cần phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ngày 24/9, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, lãnh đạo thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân (vùng thượng nguồn của An Giang) cho biết, từ đầu năm đến nay, hai địa phương này có 500 hộ cần hỗ trợ di dời tới chỗ ở mới do sạt lở. Lũ lên nhanh khiến số dân phải di dời chỗ ở do cụm dân cư bị xói mòn, bị sạt lở tăng nhanh, nhưng hiện nay, nhiều địa phương không còn đất để bố trí, chưa kể chi phí hỗ trợ di dời cũng gặp khó khăn. Theo tính toán tạm thời, mỗi hộ phải di dời cần được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng. Tại thị xã Tân Châu, 15 hộ phải di dời do sạt lở, 500 hộ nữa sống trong những vùng chung quanh được báo động sạt lở của tổ 11 ấp Vĩnh Tường thuộc xã Châu Phong cũng cần di dời tới cụm dân cư vượt lũ, nhưng hiện tại, địa phương không đủ đất để bố trí, chính quyền địa phương phải đưa dân đến ở tạm tại khu nền linh hoạt (khu đất sẽ bán để lấy tiền đầu tư cơ sở hạ tầng).

Hiện nay, trừ hai điểm trường ở huyện An Phú (An Giang) phải nghỉ học do nước lũ ngập sâu, mỗi ngày, 21.880 học sinh ở các huyện chưa bị ngập sâu ở các xã vùng đầu nguồn được tỉnh tổ chức đưa rước đến trường bằng xuồng ghe máy có trang bị dụng cụ cứu hộ và áo phao. Khi những vùng gò cao bị ngập sâu, nhiều huyện khác trong tỉnh cũng bắt buộc phải cho học sinh nghỉ học như ở An Phú.

PV (tổng hợp)