Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Tịnh Biên - Ảnh: VGP/LS
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Như Anh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh An Giang vừa có báo cáo về kết quả vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau hơn 2 tuần triển khai trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, An Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, chuẩn bị các nội dung hướng tới đại hội Đảng các cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Phong, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng các ngành có liên quan đến khảo sát trực tiếp 102 xã, phường, đặc khu trước khi tổ chức vận hành thử để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phân công các đồng chí Thường trực UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tham dự, chỉ đạo công tác vận hành thử nghiệm tại cấp xã mới.
Toàn bộ 102 xã, phường, đặc khu sau sắp xếp của tỉnh An Giang đã tổ chức vận hành thử nghiệm các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trung tâm phục vụ hành chính công.
Ngay sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối đến 102 điểm cầu cấp xã để đánh giá rút kinh nghiệm. Qua đó, theo đánh giá bước đầu từ các tổ công tác của Tỉnh ủy, trên bình diện chung, việc vận hành thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, đúng như kỳ vọng. Các đơn vị cấp xã đã chủ động triển khai tốt các phần việc theo yêu cầu, thể hiện sự sẵn sàng cao độ cho giai đoạn chính thức.
Sau giai đoạn vận hành thử nghiệm hết sức khẩn trương, bài bản, các xã, phường, đặc khu đã đi vào vận hành đảm bảo thông suốt; kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo không gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân.
"Việc phân cấp, phân quyền đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp cấp xã chủ động xử lý công việc, rút ngắn quy trình, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu lực điều hành của chính quyền cơ sở. Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã được triển khai đồng bộ, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức được người dân đánh giá cao; hầu hết hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hạn", báo cáo của tỉnh An Giang nêu rõ.
Công tác tuyên truyền được các địa phương quan tâm thực hiện tốt, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền hai cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động, thích nghi nhanh với nhiệm vụ mới, từng bước nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn chuyển đổi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn hoạt động của chính quyền 2 cấp trên địa bàn, tỉnh An Giang cho rằng, một số quy định, hướng dẫn của Trung ương chậm ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa cụ thể, nên vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Một số cán bộ, công chức còn lúng túng trong xử lý công việc do quy trình, phương thức làm việc từ đơn vị cũ, cũng như sự thay đổi về môi trường làm việc chuyển đổi số và các nhiệm vụ mới phát sinh sau sáp nhập. Cán bộ chuyên môn chưa được tập huấn về quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ nên khó khăn trong việc hướng dẫn khi người dân đến nhờ hỗ trợ. Việc cập nhật dữ liệu người dân sau khi nhập đơn vị hành mới gây khó khăn cho việc tra cứu thông tin của người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Hầu hết các xã, phường phản ánh gặp khó khăn về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác, trụ sở trung tâm phục vụ hành chính công chưa bảo đảm về diện tích; trang thiết bị phục vụ công tác cơ bản là thiết bị cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; việc bố trí nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, công chức, viên chức ở xa đến công tác tại xã còn gặp khó khăn.
Tỉnh An Giang sáp nhập toàn bộ tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang mới, có 102 đơn vị hành chính, trong đó có 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu (Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Châu), là tỉnh có dân số lớn nhất sau hợp nhất là gần 5 triệu người.
Lê Sơn