Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/LS
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang đạt 8,12%, là 1 trong 17 tỉnh có chỉ số tăng trưởng kinh tế cao hơn mức 8%, nhiều chỉ tiêu về kinh tế xã hội đạt và vượt so với cùng kỳ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,42%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,33%; khu vực dịch vụ tăng 10,8%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như thủy sản đông lạnh, gạo xay xát, quần áo may sẵn, giày dép da, cá hộp, khai thác đá và điện thương phẩm được mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giữ ổn định tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn cơ bản duy trì ổn định.
UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, kết nối thị trường, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Một số nhóm hàng như thủy sản, dệt may, da giày và rau quả ghi nhận mức tăng trưởng tốt, góp phần tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung.
Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư với nhiều dự án trọng điểm đang triển khai như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau; công trình cầu Vàm Xáng - Thị Đội huyện Giồng Riềng; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận… Tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2027; kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và Cảng hàng không Rạch Giá theo quy hoạch.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ trong phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh và giữ vững quốc phòng an ninh, đặc biệt là tổ chức bộ máy sau sáp nhập giữa các sở ngành, xã phường và hợp nhất hai tỉnh vận hành thông suốt, hiệu quả trong quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân.
Đồng thời, các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn cơ bản duy trì ổn định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, kết nối thị trường, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Một số nhóm hàng như thủy sản, dệt may, da giày và rau quả ghi nhận mức tăng trưởng tốt, góp phần tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung.
Nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu các sở, ngành chủ động, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, kiến nghị của địa phương. Thực hiện công việc theo tinh thần 6 rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền); đoàn kết thống nhất, giữ gìn nội bộ; chủ động trách nhiệm, nhất là 102 xã, phường, đặc khu, năng động sáng tạo.
Về nhiệm vụ và giải pháp, ông Hồ Văn Mừng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có kế hoạch chi tiết về tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, thu ngân sách, thương mại, du lịch; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến.
Tập trung thực hiện 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh; có lộ trình cụ thể, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ.
Đối với quá trình vận hành hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng giao Sở Nội vụ tập huấn cho các địa phương, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị của địa phương liên quan đến cơ sở vật chất, đường truyền trực tuyến.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng yêu cầu đến ngày 30/9 tất cả các dự án phải giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 70%; khẩn trương thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng; xây dựng đề án về tổ chức các hoạt động hội nghị APEC 2027.
Có giải pháp uyết liệt, kịp thời hơn nữa, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2025, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, các bản án hành chính. Đảm bảo an ninh biên giới, kiểm soát buôn lậu, ma túy, xử lý nghiêm các tội phạm.
Lê Sơn