In bài viết

An ninh bệnh viện quan trọng như khám chữa bệnh

(Chinhphu.vn) - Bộ Y tế đã đưa nội dung bảo đảm an ninh trật tự BV vào 1/83 tiêu chí về đánh giá chất lượng BV. Điều này có nghĩa là ngành Y tế coi nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế quan trọng không kém công tác bảo đảm chất lượng, chuyên môn khám chữa bệnh.

14/03/2014 08:24
Nhiều BV ở Hà Nội đều có nhân viên bảo vệ chốt tại các cửa ra vào. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tại Hội thảo "An ninh bệnh viện - Thực trạng và giải pháp" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức mới đây, mô hình đảm bảo an ninh trật tự của BV Đa khoa Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) được nêu như một ví dụ điển hình làm tốt công tác này.

Các giải pháp thực tế

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc BV Thống Nhất cho biết, do BV nằm trên tuyến Quốc lộ 1A huyết mạch, lưu lượng xe lưu thông hướng Bắc-Nam lớn, nên tình trạng TNGT thường xuyên xảy ra trên tuyến đường này. Có những vụ tai nạn làm chết và bị thương nhiều người đều đưa vào BV cấp cứu; tình trạng mâu thuẫn cá nhân do say rượu, hút chích, tranh giành làm ăn… dẫn đến xô xát, thương tích phải nhập viện cũng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, việc xây dựng các khoa, phòng dàn trải, lực lượng bảo vệ còn mỏng nên đã xảy ra nhiều vụ  trộm cắp tài sản trong BV.

Trước thực trạng đó, BV đã xây dựng phương án bảo vệ. Cụ  thể, BV đã ký hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ các vị trí xung yếu (cổng ra vào, phòng cấp cứu, nơi đăng ký khám bệnh, cấp thuốc, đóng viện phí…). Mỗi ngày, các tổ tuần tra của BV thường xuyên hoạt động 24/24h; thực hiện việc đăng ký số lượng thân nhân bệnh nhân ở lại BV qua đêm.

BV cũng đã đầu tư hệ thống camera tại tất cả các khoa phòng, các vị trí xung yếu (110 điểm). Tại bãi giữ xe, BV đã đầu tư phiếu giữ xe thông minh, vì vậy hiện nay không còn xảy ra tình trạng mất xe.
 
BV đã thành lập đường dây nóng và phối hợp chặt chẽ với Công an phường Tân Biên, Công an TP. Biên Hòa, Cảnh sát 113, PA 83 xây dựng các phương án nhằm xử lý kịp thời, nhanh chóng các trường hợp ẩu đả, đuổi đánh nhân viên y tế…

Cán bộ, nhân viên BV thường xuyên được nhắc nhở về ý thức bảo vệ an ninh trật tự là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, với tinh thần mỗi cán bộ công nhân viên chức là một bảo vệ viên… Do đó, tình hình được cải thiện nhiều.

Ở Hà Nội, nhiều BV cũng đã và đang triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh.

Ví dụ, tại BV Xanh Pôn, sau khi xảy ra vụ cưa chân bệnh nhân ngay tại phòng bệnh, BV đã tăng cường lực lượng bảo vệ và đội ngũ vệ sỹ chốt tất cả các cửa chính. BV Phụ sản Hà Nội luôn có 16 bảo vệ/ca ngày; 8 bảo vệ/ca đêm ở tất cả 30 khoa, phòng… để kịp thời can thiệp, ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh trật tự có thể xảy ra.

Nhiều BV cũng đã cảnh báo người bệnh đề phòng trộm cắp, cò mồi bằng cách ghi biển báo, đọc loa phát thanh, dán ảnh những đối tượng trộm cắp từng bị xử lý để người bệnh biết…

Đối với BV Phụ sản Trung ương, sau sự cố trẻ sơ sinh bị bắt cóc, BV cũng đã rà soát, thắt thặt các quy trình kiểm tra nhập, xuất viện.

TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho biết, trước khi đưa trẻ rời khỏi BV, các gia đình đều phải trải qua 2 cửa kiểm tra. Với trường hợp người ngồi trên ô tô đi ra cổng, thì từ xe của Giám đốc BV đến các xe taxi đều phải mở kính để nhân viên bảo vệ kiểm soát. BV cũng đã lắp 25 camera tại vị trí nhạy cảm, đặc biệt là Khoa Sơ sinh.

Khó khăn nhưng không thể không làm

Mặc dù thời gian gần đây tình hình an ninh trật tự của BV Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) đã được cải thiện đáng kể, song theo ông Phạm Văn Dũng, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại BV cũng còn những khó khăn như: Lực lượng bảo vệ được trang bị các phương tiện hỗ  trợ thô sơ, không xử lý được các trường hợp cấp bách tại chỗ, khi lực lượng công an đến hiện trường thì nhiều trường hợp mọi việc đã xảy ra… Sự phối hợp giữa BV và các cơ quan chức năng đôi lúc chưa kịp thời, phản ứng của ngành Công an trong một số  vụ việc còn chậm… Tuy nhiên, đây là việc không thể không làm.

Ông Vũ Bá Quyết (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, vì BV luôn trong tình trạng quá tải, nên việc kiểm soát an ninh có những thời điểm rất khó khăn, nhất là vào giờ người nhà thăm nom và chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy, BV đã tăng cường tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân luôn phải cảnh giác với người lạ, kể cả với người mặc áo nhân viên BV nhưng có những hành vi bất thường.

Thực tế, hiện nay hầu hết các BV chủ yếu chú trọng công tác chuyên môn mà chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác đảm bảo an ninh, thậm chí, nhiều nơi “mất bò mới lo làm chuồng”. Mặt khác, nguồn kinh phí để thực hiện một số giải pháp đảm bảo an ninh BV như ký hợp đồng bảo vệ chuyên nghiệp, thuê các đội vệ sỹ… đều do các BV tự chi trả nên vấn đề bảo đảm an ninh cũng khiến BV gặp khó khăn.

Có thể nói các BV đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an ninh BV. Tuy nhiên, các giải pháp đó sẽ không đạt hiệu quả cao nếu không nhận được sự phối hợp từ các cơ quan chức năng và nhận thức của người dân.

Tuy nhiên, để các BV tập trung nhiều hơn nữa cho công tác đảm bảo an ninh BV,  Bộ Y tế đã đưa nội dung về an ninh trật tự BV vào 1 trong 83 tiêu chí về đánh giá chất lượng BV. Điều này có nghĩa là ngành Y tế coi nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người bệnh và viên y tế không kém so với công tác đảm bảo chất lượng, chuyên môn khám chữa bệnh. Từ đó, các BV sẽ có động lực để tích cực tìm ra nhiều giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn nữa nhằm bảo đảm an ninh, an toàn BV.

Thúy Hà