In bài viết

An ninh lương thực: Không chỉ là số lượng

(Chinhphu.vn) - Tại đối thoại an ninh lương thực lần này, các đại biểu nhất trí cho rằng an ninh lương thực không chỉ là vấn đề sản xuất mà bao gồm cả vấn đề chất lượng thực phẩm, giá cả.

20/07/2013 08:21

Ảnh minh họa

Hội nghị “Đối thoại khu vực về Mục tiêu an ninh lương thực 2013” vừa được tổ chức tại Medan, Indonesia với sự tham dự của các tổ chức quốc tế, các nước và vùng lãnh thổ như Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc và Malaysia. Một trong những vấn đề được quan tâm chú ý tại đối thoại lần này là   đề xuất mục tiêu chung về an ninh lương thực quốc tế. Xung quanh chủ đề này, báo “Bưu điện Jakarta” đã đăng bài “An ninh lương thực và mục tiêu chung” của tác giả Risti Permani, chuyên gia nghiên cứu lương thực toàn cầu, giảng viên trường Đại học Adelaide (Australia). Sau đây là nội dung bài viết:   

Tại Hội nghị thượng đỉnh lương thực thế giới năm 1996, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã đưa ra khái niệm khá toàn diện về an ninh lương thực. FAO định nghĩa “an ninh lương thực là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đẩy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động".

Tác giả phân tích rằng khái niệm này được xây dựng trên 4 yếu tố, đó là tình trạng sẵn có, quyền tiếp cận, sử dụng và sự ổn định. Tại đối thoại an ninh lương thực lần này, các đại biểu nhất trí cho rằng an ninh lương thực không chỉ là vấn đề sản xuất mà bao gồm cả vấn đề chất lượng thực phẩm, giá cả. Vì vậy, cần phải gửi thông điệp này đến chính phủ các nước, không chỉ các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển.    

Tác giả cho rằng không thể thay đổi được nội dung các cuộc thảo luận   xuất phát từ vấn đề tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực. Đối với Indonesia, tự cung tự cấp thực phẩm nghĩa là sản xuất trong nước đáp ứng được 90% nhu cầu tiêu   dùng xã hội. Tự cung tự cấp thực phẩm phản ánh khả năng sản xuất của một quốc gia và đây là một phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược duy nhất vì thực phẩm sẵn có không phải là yếu tố   duy nhất đảm bảo an ninh lương thực. Vấn đề là các quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được thỏa thuận về các mục tiêu khác của an ninh lương thực.      

Theo tác giả, có nhiều quan điểm tương đồng về vấn đề an ninh lương thực đã được các quốc gia chia sẻ tại Medan. Đó là việc chính phủ dành khoản kinh phí lớn cho các hoạt động trợ cấp đầu vào trong khi kết quả đạt được không như mong đợi do các vấn đề kỹ thuật như việc lựa chọn thành phần tham gia chương trình trợ cấp chẳng hạn.

Ngoài ra, chính phủ phải đối diện với khó khăn về tài nguyên, chịu áp lực phân bổ trợ cấp xã hội cho người nghèo chứ không đơn thuần chỉ dành riêng cho nông dân. Trong khi đó, mối quan ngại liên quan sức khỏe người tiêu dùng đang gia tăng. Các quy định về vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng đòi hỏi cao trong khi cách tiếp cận của chính phủ chỉ tập trung vào số lượng thực phẩm. Hơn nữa, hầu hết các nước đặt mục tiêu ổn định giá lương thực như một phần chiến lược đảm bảo an ninh lương thực. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh mối liên quan với chính sách thương mại, lợi nhuận, khiến rủi ro (ví dụ như nguy cơ mất an toàn thực phẩm tăng lên) đôi khi bị bỏ qua.      

Tác giả nhận định rằng dù có nhiều điểm tương đồng nhưng để đưa ra chính sách phù hợp cho nhiều quốc gia lại là vấn đề khác do luôn tồn tại  các biến số. Vấn đề mà nhiều diễn đàn khu vực chưa thể giải quyết được chính là   khả năng thiết lập mục tiêu chung về an ninh lương thực mang tầm quốc tế. Các nước cần linh hoạt trong việc thiết lập chiến lược quốc gia, mục tiêu chung sẽ giúp đảm bảo rằng các nước đang hợp tác cùng nhau. Có thể học tập kinh nghiệm từ chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. Tuy đơn giản nhưng quan trọng là các mục tiêu này được giám sát, thừa nhận bởi các quốc gia toàn cầu.         

Tác giả cho rằng các văn bản trình bày tại cuộc đối thoại ở Medan đã gợi mở nhiều ý tưởng về mục tiêu an ninh lương thực chung. Tuy nhiên, các nước cần lưu ý sự khác biệt về lợi thế cạnh tranh, giá trị các mặt hàng chiến lược. Ngoài ra, cần phải làm rõ mức độ sản lượng như thế nào để các quốc gia đảm bảo được an ninh lương thực chứ không đơn giản chỉ dựa vào việc mở rộng   hoạt động sản xuất nông nghiệp thông qua sử dụng đất thay vì cải tiến năng suất nhờ đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Tác giả cho rằng sự ổn định các thành tố an ninh lương thực cho thấy tầm quan trọng của hoạt động dự trữ   lương thực, từ tư nhân đến nhà nước, quốc gia và khu vực. Ngoài ra, các nước cũng nên xác định mặt hàng lương thực chiến lược. Như thường thấy ở các nước đang phát triển, tầm quan trọng của gạo và các nông sản khác đang giảm trong khi nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm có giá trị cao như thịt, sữa, trái cây và rau quả… đang tiếp tục tăng.     

Tác giả kết luận rằng, việc các nước thảo luận đưa ra một mục tiêu   chung mang tính toàn cầu không có nghĩa là thế giới sẽ đảm bảo được an ninh lương thực. Tuy nhiên, đạt được bộ mục tiêu chung chí ít cũng giúp các quốc gia tự đánh giá được bản thân mình, so sánh với các nước khác từ đó nhận thức rõ về vấn đề an ninh lương thực./. 

Huyền Anh