![]() |
Các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho lao động di cư phi chính thức. Ảnh minh họa. |
Vẫn còn nhiều rào cản
Lao động di cư phi chính thức là những lao động tự do, không có quan hệ lao động về mặt pháp luật, đó có thể là lao động làm thuê, lao động tại gia đình, người giúp việc nhà, người làm việc tự do, lao động nông nghiệp…
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, độ tuổi di cư đang có xu hướng trẻ hóa, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp (chỉ có 15,7% tốt nghiệp PTTH trở lên và trên 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào); thu nhập từ công việc thấp và không ổn định (trung bình chỉ đạt 2,2-2,5 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc trung bình 47,3 giờ/tuần).
Đặc biệt, đa số người làm công việc đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Theo thống kê cụ thể, cả nước chỉ có trên 190.000 người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, tương đương 0,5% tổng số lao động khu vực này. Đáng chú ý, trong số hơn 190.000 người tham gia BHXH tự nguyện thì có đến 70% là nhóm đã tham gia BHXH bắt buộc, nay tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí; số lao động phi chính thức tham gia mới BHXH tự nguyện rất ít.
Theo TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng), nguyên nhân chính của thực trạng này là do nhận thức về chính sách của một bộ phận lao động còn hạn chế; việc làm bấp bênh; thu nhập thấp. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục mua, sử dụng BHYT cũng còn rườm rà, phức tạp. Việc quy định đăng ký mua BHYT theo hộ gia đình hiện nay là rào cản lớn đối với lao động di cư.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh cũng dẫn chứng khảo sát của Viện Khoa học BHXH đối với 711 lao động phi chính thức tại Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai cho thấy, người lao động chưa tham gia BHYT là do chưa thực sự tin tưởng vào chế độ BHYT (chiếm 77,4% người được hỏi); gần 50% người cho biết do việc tham gia BHYT không được giảm chi phí nhiều, thủ tục khám chữa bệnh mất nhiều thời gian chờ đợi, chất lượng dịch vụ chưa cao.
“Mở đường” cho lao động phi chính thức
Trước những rào cản và bất cập nêu trên, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) Trần Thị Thúy Nga cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) đã có những quy định tiến bộ về BHXH tự nguyện, tạo cơ hội cho lao động phi chính thức với thu nhập bấp bênh, nguy cơ rủi ro cao được tham gia và hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro.
Cụ thể, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được mở rộng theo hướng không khống chế tuổi bắt đầu tham gia. Đặc biệt, để thu hút đối tượng là nông dân tham gia, Luật cũng quy định hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; mức đóng sẽ căn cứ mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều năm ở cả tương lai và trong quá khứ; mức đóng một lần cho tương lai có thể thấp hơn so với đóng hằng tháng. Với đối tượng này, Nhà nước sẽ có hỗ trợ tiền đóng tuỳ theo từng thời kỳ và điều kiện ngân sách.
Tại diễn đàn “Chính sách an sinh xã hội với lao động di cư phi chính thức” các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị để lao động phi chính thức có cơ hội tiếp cận tốt hơn các chính sách an sinh xã hội nói chung và BHXH tự nguyện, BHYT nói riêng.
Cụ thể, cần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục khi tham gia BHYT để lao động di cư dễ dàng tiếp cận, như gắn BHYT với đăng ký tạm trú, sổ hộ khẩu; tư vấn qua các kênh thông tin phù hợp để lao động di cư nắm rõ các thủ tục tiếp cận chính sách an sinh xã hội…
Thực tế, nhu cầu tiếp cận một số dịch vụ an sinh xã hội của lao động di cư khá lớn, khi họ biết đến các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHYT thì họ càng thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của các chính sách này.
TS. Ngô Thị Ngọc Anh cũng cho rằng, quyền lợi của lao động di cư cần được đảm bảo.
Đối với BHXH tự nguyện, nên mở rộng quyền lợi để lao động di cư phi chính thức có thể tham gia đóng và hưởng quyền lợi giống như BHXH bắt buộc (bổ sung mua và hưởng lợi các chế độ ốm đau, tai nạn lao động, thai sản…).
Đối với BHYT, cần xây dựng lộ trình tăng chi trả khi khám vượt tuyến, ngoại trú cho lao động di cư, địa điểm mua BHYT linh hoạt, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, thái độ nhân viên y tế.
Như vậy, để thực hiện thành công các mục tiêu đến năm 2015 có khoảng 70 triệu người tham gia BHYT, chiếm 76,3% dân số, cần phải có những chính sách “mở” để hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế như lao động di cư.
Trong đó, phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di cư, từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để họ tiếp cận được với chính sách BHYT cũng như an sinh xã hội.
Thu Cúc