In bài viết

An toàn thực phẩm trong bối cảnh mới

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao... thì các biện pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng.

30/06/2022 19:37
An toàn thực phẩm trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Các nước nhập khẩu sẽ tăng cường việc xây dựng các “hàng rào kỹ thuật về TBT” và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” - Ảnh minh họa

Tại hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới", chia sẻ một số vấn đề mới trong yêu cầu đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay các hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. 

Do đó, các vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… không còn thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư, nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Thay vào đó, vì nhiều mục tiêu khác nhau, như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia, bao gồm an ninh, quốc phòng và kể cả lợi ích kinh tế, các nước sẽ tăng cường việc xây dựng các “hàng rào kỹ thuật về TBT” ("biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”).

Hiện nay, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng đột ngột một cách trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao... thì các biện pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng.

Chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Tấn, nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu.

Ví dụ như cam kết của doanh nghiệp, hoạt động thẩm xét và xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu, sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước... Các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp, mà còn hết sức đa dạng, do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu.

"Bên cạnh đó, thực tế triển khai cho thấy, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra những quy định mới về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là khi gắn các yêu cầu kỹ thuật với các yêu cầu về thủ tục và hồ sơ, nhiều bất cập sẽ xuất hiện do sự thiếu sẵn sàng của hệ thống quản lý của bên nhập khẩu. Ví dụ như sự thiếu đồng bộ trong cách thức phê duyệt chứng thư tại các cảng hải quan khác nhau của khu vực EU, sự thiếu hoàn thiện trong hệ thống quản lý doanh nghiệp trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc... Đây là những thách thức đối với cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp", ông Tấn cho hay.

An toàn thực phẩm trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Lực lượng QLTT bắt thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc - Ảnh: QLTT

Thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng vẫn tràn lan

Bên cạnh những tiêu chuẩn cho thực phẩm xuất khẩu đang dần thay đổi thì việc quản lý an toàn thực phẩm trong nước cũng đang được siết chặt.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. 

Một số vụ việc điển hình trong thời gian gần đây được ông Trần Hữu Linh nêu như: Ngày 13/5, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện và tạm giữ hàng nghìn thùng bánh bông lan nghi nhập lậu. Ngày 30/5, Ðội QLTT số 6 (Cục QLTT Lạng Sơn) đã kiểm tra và tạm giữ 1 tấn nầm lợn đang biến đổi chất, bốc mùi hôi thối.

Ngày 3/6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Hải Dương) phát hiện gần 2 tấn mỡ lỏng đựng trong túi nylon đang bốc mùi. Tiếp đó ngày 13/6, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Kiên Giang) đã tạm giữ hơn 1 tấn xí muội (ô mai) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngày 16/6 Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Long An) đã ngặn chặn trên 100 kg bột ngọt giả mạo nhãn hiệu AJINOMOTO đang được đưa ra thị trường tiêu thụ...

Ông Trần Hữu Linh cho rằng, sở dĩ những thực phẩm "bẩn" kia còn được lưu hành bởi bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng với an toàn thực phẩm

Đối với thực phẩm xuất khẩu, ông Nguyễn Việt Tấn cho rằng, việc tham gia vào thương mại quốc tế là điều tất yếu mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực... nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.

Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để từ đó nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới.

"Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, 'hàng rào kỹ thuật về TBT' và 'các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật' liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Việt Tấn khuyến cáo.

Về phía Tổng cục QLTT, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục "đấu tranh" với thực phẩm bẩn. Lực lượng QLTT sẽ tăng cường rà soát phân loại, kiểm soát website thương mại điện tử, kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh các nhóm mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và nhóm các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu sở hữu trí tuệ xuất hiện nhiều trên mạng như thời trang, quần áo, giầy dép, túi xách, đồng hồ… và các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác…

Tổng cục QLTT cũng sẽ yêu cầu lực lượng QLTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương như công an, thanh tra y tế, thanh tra sở NN&PTNT, thanh tra sở công thương… nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, quan trọng nhất là phải tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. 

Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.

An toàn thực phẩm trong bối cảnh mới - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm - Ảnh: VGP

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với vai trò là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng cho biết: "Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn".

Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm các công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…

Phan Trang