In bài viết

Áo dài là của người Việt Nam, một sự đẹp đẽ đầy chất dân tộc

(Chinhphu.vn) - Áo dài là hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế đầu tiên. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, áo dài là của người Việt Nam.

23/11/2019 17:36

Áo dài là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt. Ảnh minh hoạ

Đây là ý kiến của GS.TS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam.

Giữ được hồn cốt của tâm hồn Việt

“Áo dài của người Việt có truyền thống, có áo tứ thân tạo nên nhiều màu sắc, một sự hòa sắc không đơn điệu làm cho người con gái trở nên duyên dáng. Nó níu kéo tâm hồn con người. Từ già tới trẻ, người ta đều nhận thấy ở đó một sự đẹp đẽ đầy chất dân tộc”, GS.TS Trần Lâm Biền nói.

“Với người Việt Nam, sự đằm thắm, kín đáo là một điều rất đáng quan tâm. Vì tâm tính của người Việt Nam là đầm ấm, kín đáo. Chiếc áo dài truyền thống tạo nên một vẻ đẹp hòa quyện giữa tâm hồn, tâm linh và hình thức.

Áo dài thướt tha hợp với tâm hồn người Việt, là biểu hiện của sự đứng đắn. Ngày xưa trong gia đình nền nếp, ra khỏi cửa là người ta khoác chiếc áo dài. Cho nên áo dài về cơ bản nó nhằm mục đích thể hiện những người có văn hóa, chứ không phải chỉ có mục đích làm đẹp”, ông Trần Lâm Bền nhận định.

Chính vì áo dài là hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế đầu tiên nên thông tin về một thương hiệu thời trang Trung Quốc đưa lên sàn diễn thời trang bộ sưu tập được gọi là "cách tân" những kiểu áo dài Việt Nam đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

GS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, áo dài, nón lá đã được khẳng định từ lâu là thuộc văn hóa Việt Nam và trong những bước đường phát triển cũng đã được khẳng định.

"Áo dài có đặc trưng là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân. Dù cho thời gian có thay đổi thế nào, các trang phục khác được du nhập vào nước ngày một đẹp hơn đến mấy thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt, giữ được cái hồn cốt của tâm hồn Việt. Văn hóa của Việt Nam cần một sự độc lập, là chính nó chứ không phải là cái đuôi của bất kể nền văn hóa nào khác", GS. Trần Lâm Biền chia sẻ thêm.

Bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam

“Ngày 22/1/2014 trong buổi lễ khánh thành Bảo tàng Áo dài sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu tôi đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự. Nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để xây dựng được một Bảo tàng Áo dài cho người Việt", nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng tâm sự.

“Suốt bao năm qua có dịp giao lưu với học sinh, sinh viên các trường. Tôi luôn nhấn mạnh với các em học sinh, sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc, là trách nhiệm khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa. Biên giới hải đảo một khi bị chiếm lấy một cách sai quấy, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp. Văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng bày tỏ.

“Nếu mọi người đồng lòng tập trung, yêu nước, yêu áo dài thì thay vì có những phản ứng để ảnh hưởng đến chính trị, tốt nhất nên làm cho áo dài Việt Nam đẹp hơn, có nhiều bộ sưu tập thời trang áo dài đẹp hơn để quảng bá trong và ngoài nước. Đó là cách để bảo vệ tà áo dài Việt Nam. Làm sao để tà áo dài Việt Nam đẹp hơn, để người dân Việt Nam trong tà áo dài đẹp hơn”, nhà thiết kế thời trang Đỗ Trịnh Hoài Nam có ý kiến.

Theo nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, Việt Nam nên có Ngày Áo dài Việt Nam. Đó chính là khẳng định chủ quyền cho áo dài Việt Nam.

“Bản thân tôi cũng đã có ý tưởng kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ để tổ chức chương trình Tự hào áo dài Việt, không chỉ ở trong nước mà thời gian vừa rồi cũng đã tổ chức ở Hàn Quốc. Đấy chính là những hành động khẳng định của mình trên trường quốc tế. Trong năm 2020 tới, Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam sẽ kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ để tổ chức những chương trình lớn, phát động phong trào, tạo nên những kỷ lục mới, có thể là kỷ lục Guinness, ví dụ như phụ nữ cả nước mặc áo dài trong một ngày. Đó là những điều chúng tôi đang triển khai để bảo vệ tà áo dài Việt Nam”, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cho hay.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng khẳng định áo dài Việt Nam hoàn toàn khác với sườn xám của Trung Quốc. Áo dài từ một chiếc áo tứ thân, từ những thiết kế áo dài cổ của ông cha để lại. Sườn xám chỉ là một chiếc váy, còn áo dài có thiết kế quần riêng biệt. Kiểu dáng áo dài hoàn toàn khác với sườn xám, thiết kế và cách may cũng không có điểm nào giống nhau.

“Áo dài mặc lên mềm mại, khác hẳn sườn xám. Kể cả về phong cách, hình ảnh, sự nữ tính, dịu dàng hoàn toàn khác hẳn với sườn xám. Đó là những minh chứng mà mỗi khi chúng tôi mang tà áo dài sang nước ngoài, sang Pháp, sang Italy, Đức, Australia, rất nhiều người nước ngoài đã gọi tên ‘Việt Nam’, gọi ‘áo dài’ như một danh từ riêng mà họ đều biết. Đó là điều khẳng định áo dài Việt Nam đã có trong lòng bạn bè thế giới”, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.

“Cho đến giờ, chưa có bất kỳ một văn bản nào từ phía Nhà nước công nhận áo dài là Quốc phục Việt Nam. Nên chỉ có thể chúng ta người Việt dù ở nơi đâu - hãy xem việc mặc áo dài trong một dịp nào có thể nhất, là đã cùng nhau góp tâm giữ được cho người Việt tấm áo của quê hương đất nước”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng bày tỏ.

Với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, câu chuyện này đặt ra bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung. Khi thương hiệu được khẳng định, không chỉ khiến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tạo ra được những giá trị kinh tế cho đất nước, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới và tránh được tình trạng đánh cắp bản quyền.

Nhật Nam