In bài viết

Áp dụng gấp gáp quy định mới về quản lý chất lượng vật liệu xây dựng, DN kiến nghị 'nới thêm' thời gian

(Chinhphu.vn) - Thông tư số 10/2024/TT-BXD Bộ Xây dựng vừa ban hành ngày 1/11/2024 là cần thiết để nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, thời gian áp dụng Thông tư quá gấp (chỉ với hơn 3 tuần chuẩn bị) đang gây khó cho doanh nghiệp.

25/11/2024 22:09
Áp dụng gấp gáp quy định mới về quản lý chất lượng vật liệu xây dựng, DN kiến nghị 'nới thêm' thời gian - Ảnh 1.

Thời điểm có hiệu lực thi hành của Thông tư số 10/2024/TT-BXD còn hơn 20 ngày khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy

Ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về "Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng", có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024. Đối tượng áp dụng gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. 

Trong "Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn nhóm 2 phụ lục II" quy định các sản phẩm số 9, từ số 21 đến số 31 bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo phương thức 5 thì mới được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Ban hành Thông tư là cần thiết

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Nam Hải, Chủ tịch Phân Hội - Hiệp Hội Gốm sứ Việt Nam (VIBCA), Chủ tịch Group Vật liệu xây dựng Miền Nam cho biết, Thông tư này được ban hành là cần thiết và được các doanh nghiệp hoan nghênh, vì nhiều quốc gia như Thái Lan, Mỹ hay các nước châu Âu đều áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tương tự. Việc thiếu các quy định cụ thể trước đây khiến thị trường Việt Nam dễ bị "xâm chiếm" bởi hàng hóa chất lượng kém, giá rẻ, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, khi Thông tư có hiệu lực, hàng hóa nhập khẩu sẽ phải vượt qua quy trình kiểm định khắt khe, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đã qua kiểm duyệt. Về lâu dài, việc kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nội địa cải tiến sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Lê Nam Hải cho rằng, Thông tư số 10/2024/TT-BXD không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn giúp thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam trở nên minh bạch, cạnh tranh công bằng và bền vững hơn. 

Thời gian áp dụng quá gấp gáp

Mặc dù đánh giá cao tính cần thiết của Thông tư, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng lại gặp phải rất nhiều khó khăn do thời gian áp dụng gấp gáp. Chỉ với hơn 3 tuần chuẩn bị kể từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, doanh nghiệp cho rằng, họ không đủ thời gian để triển khai quy trình chứng nhận hợp quy theo phương thức 5.

Theo các doanh nghiệp, quy trình này bao gồm nhiều bước như: Đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, kiểm định tại nhà máy sản xuất nước ngoài, lấy mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và chờ kết quả đánh giá. Các công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chứng nhận được chỉ định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hay danh sách các đơn vị đủ điều kiện thực hiện chứng nhận, khiến doanh nghiệp lúng túng và khó lựa chọn.

Ông Lê Nam Hải cũng cho rằng: Các doanh nghiệp trong nước hiện có rất nhiều công hàng đang trên đường về Việt Nam, nếu Thông tư có hiệu lực ngay từ 16/12/2024 thì hàng sẽ khó có thể kịp thông quan, gây ách tắc tại cảng, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ chi phí lưu công, lưu bãi. Vì vậy, Bộ Xây dựng nên xem xét gia hạn thời gian hiệu lực để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh đó, cuối năm cũng là mùa cao điểm xây dựng, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh. Nếu nguồn cung bị gián đoạn do hàng hóa không thể thông quan, giá cả sẽ leo thang, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Việc không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết không chỉ khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, mà còn gây bất ổn trong nguồn cung đối với một số mặt hàng.

Cần sớm hướng dẫn rõ tổ chức thực hiện chứng nhận hợp quy

Mặt khác, theo khoản 3 Điều 8 của Thông tư quy định: Hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định nhưng Thông tư lại không có quy định và hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ định các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, trong khi thời điểm có hiệu lực thi hành của Thông tư còn hơn 20 ngày nên doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.

Quy trình triển khai chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước, nhưng thời gian có hiệu lực từ 16/12/2024 là quá gấp để đáp ứng quy trình này.

Được biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ định rõ các tổ chức được thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ quy định mà không bị động.

Tại thị trường Việt Nam, danh mục hàng hóa áp dụng theo Thông tư số 10/2024/TT-BXD đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện tại đang trong quá trình sản xuất nên với thời gian Thông tư có hiệu lực từ 16/12/2024 sẽ gây tổn thất lớn, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây sửa nhà cửa đang tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực thêm 1 năm đối với Thông tư số 10/2024/TT-BXD để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tuân thủ theo quy định của Thông tư được hiệu quả nhất.

Tại Hội nghị tập huấn, phổ biến Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng diễn ra trong ngày 21/11/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thực tiễn để xây dựng thông tư về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, đảm bảo đúng trình tự quy định. Về cơ bản, nội dung Thông tư số 10/2024/TT-BXD đã đảm bảo các quy định theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Xây dựng năm 2014 liên quan đến quản lý chất lượng. Trong đó, các bên cần lưu ý tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua 5 chuỗi hoạt động gồm: Sản xuất - Xuất khẩu - Nhập khẩu - Lưu thông trên thị trường - Sử dụng.

Thông tư số 10/2024/TT-BXD sẽ có hiệu lực từ ngày 16/12/2024. Do đó, ông Sinh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức liên quan nghiên cứu, thực hiện nội dung thông tư. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng mong muốn nhận được thêm ý kiến của các đơn vị về thông tư; có trao đổi trực tiếp để cùng phối hợp chặt chẽ với bộ, đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch; khuyến khích sử hàng trong nước; chống gian lận thương mại trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Phan Trang