Giá đường lao dốc gần 2%
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5, thị trường nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sắc đỏ bao phủ 8/9 mặt hàng trong nhóm. Trong đó, giá đường 11 giảm 1,69% xuống 383,6 USD/tấn, trong khi giá đường trắng cũng đánh mất 1,93% còn 488 USD/tấn. Theo MXV, giá đường duy trì ở mức thấp trong thời gian qua chủ yếu do những lo ngại về nguồn cung dư thừa trên thị trường quốc tế.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2025-2026 dự kiến đạt 189,3 triệu tấn, tăng 4,73% so với niên vụ trước, trong khi nhu cầu chỉ tăng 1,4% lên 177,9 triệu tấn. Như vậy, thị trường ước tính sẽ dư cung tới 11,4 triệu tấn, sau khi dư thừa 5,3 triệu tấn trong năm 2024-2025.
Tại Brazil, nhiều nhà máy đang theo dõi sát diễn biến giá đường và ethanol để cân đối sản xuất. Nếu giá đường tiếp tục giảm, các nhà máy tại nước này có thể sẽ chuyển sang sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học hơn để tối ưu hóa lợi nhuận do hầu hết các nhà máy ở Brazil đều có thể điều chỉnh linh hoạt dây chuyền sản xuất để tạo ra nhiều hoặc ít đường và ethanol, tùy theo giá thị trường của cả hai sản phẩm.
Trưởng bộ phận Đường & Ethanol tại công ty môi giới StoneX nhận định nếu giá đường giảm xuống dưới 374,8 USD/tấn thì cơ cấu sản xuất tại Brazil khả năng sẽ thay đổi.
Về mặt thời tiết, điều kiện khô hạn gần đây tại khu vực Trung - Nam Brazil được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vụ thu hoạch mía sau khi khởi đầu chậm chạp trong tháng Tư. Trong khi đó, tại Ấn Độ, mùa mưa dự báo sớm hơn khoảng một tuần so với bình thường, qua đó hỗ trợ cho một vụ mùa mía tốt hơn tại nước này.
Trong khi đó nhu cầu đang cho thấy sự suy yếu rõ rệt. Theo dữ liệu từ thuế quan và thương mại của chính phủ Mỹ, nhập khẩu đường và các sản phẩm từ đường tại Mỹ trong 3 tháng đầu năm sụt giảm mạnh xuống còn 1,03 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với dạng nhập khẩu là chất lỏng, trong 3 tháng đầu năm, số lượng nhập khẩu cũng giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 166,4 triệu lít.
Kim loại quý quay đầu suy yếu, giá quặng chịu sức ép lớn từ Trung Quốc
Theo ghi nhận của MXV, thị trường kim loại cũng không thoát khỏi xu hướng chung khi chứng khiến sắc đỏ bao phủ lên hầu hết giá các mặt hàng chủ chốt. Kết phiên giao dịch, giá bạc đảo chiều giảm 1,27% xuống còn 33,22 USD/ounce trong khi giá bạch kim cũng rớt 0,34%, lùi về mức 1.080 USD/ounce.
Giá các kim loại quý chịu áp lực giảm khi chỉ số dollar Mỹ phục hồi sau ba phiên đi xuống, tăng 0,4% lên 99,96 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dù điều chỉnh nhẹ trong phiên nhưng vẫn tăng khoảng 50 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 5, qua đó củng cố sức hấp dẫn của đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến các mặt hàng định giá bằng USD như kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn với nhà đầu tư quốc tế, làm giảm nhu cầu và tạo sức ép lên giá
Ở chiều ngược lại, đà giảm của nhóm kim loại quý phần nào được hạn chế nhờ nhu cầu trú ẩn vẫn hiện hữu. Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thuế mới của Tổng thống Donald Trump, dự kiến làm tăng thêm 3.800–4.500 tỷ USD vào khoản nợ công vốn đã vượt 36.000 tỷ USD của Mỹ. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài khóa tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh Mỹ vừa bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm nợ công do lo ngại thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công tăng cao.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục tăng nhẹ 0,16% lên 10.316 USD/tấn. Ngược lại, giá quặng sắt quay đầu giảm 0,63%, xuống còn 98,25 USD/tấn. Trong phiên hôm qua, giá đồng được hỗ trợ bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong năm nay. Trong khi đó, giá quặng sắt chịu áp lực giảm do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc.