In bài viết

Áp thấp nhiệt đới gây gió giật cấp 8, cấp 9

(Chinhphu.vn) - Hồi 17 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Trị-Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 8-9. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Uỷ ban quốc gia TKCN và Bộ Công an đã gửi điện chỉ đạo ứng phó.

13/10/2016 17:32

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Trưng ương

Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km.

Đến 23 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ và huyện đảo Lý Sơn) và vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Trong đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Cảnh báo mưa to, sạt lở đất

Do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và nhiễu động gió đông trên cao nên từ đêm nay đến hết ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (trên 150 mm/cả đợt, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 200-400 mm), Đà Nẵng đến Quảng Ngãi 50-100 mm.

Khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.

Từ đêm nay (13/10), mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh; sáng mai (14/10), mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Ngày 13/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về  PCTT-Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN có điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên và các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Ngoại giao, TN&MT, TT&TT, NN&PTNT, yêu cầu:

-Thông báo cho các chủ phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến; tổ chức kiểm đếm và kiểm soát chặt việc ra khơi của các tàu thuyền;

-Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

-Kiểm tra, rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản, các hộ dân đang sinh sống ở ven biển, sẵn sàng tổ chức sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản;

-Duy trì lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.


Cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN (số 27, 28) và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với mưa, lũ, sạt lở đất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.

2. Bảo đảm tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các cơ sở giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

3. Đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi:

- Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, các hầm lò khai thác khoáng sản; phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm;

- Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm; không cho người và phương tiện di chuyển khi không bảo đảm an toàn.

4. Đối với TPHCM và các tỉnh hạ lưu vùng ĐBSCL: Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai giúp nhân dân ứng phó với ngập lụt, di dời tài sản; bố trí lực lượng, thiết bị, cắm biển báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông qua các khu vực bị ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo.

*Hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 120 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Uỷ ban quốc gia TKCN, Bộ Công an đã gửi điện chỉ đạo ứng phó.

Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

Đến 19 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với hoàn lưu phía Bắc của áp thấp nhiệt đới nên ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7. Ở Trung Bộ đã xuất hiện mưa vừa, mưa to.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ và huyện đảo Lý Sơn) và vịnh Bắc Bộ do ảnh hưởng của áp thập nhiệt đới đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Trong đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

*Hồi 8 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 330 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7-8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 19 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ( bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Từ chiều tối nay (13/10), vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

*Hồi 4 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 430 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7-8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Từ chiều tối nay (13/10), vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Sóng biển cao từ 2-3 m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

*Ngày 12/10, vùng áp thấp trên vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa, có xu hướng đi về phía vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8 và mưa dông mạnh; biển động. Từ đêm nay, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam mạnh cấp 4-5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8 nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Sóng biển cao từ 2-3 m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trên đất liền, gió Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa cho cả Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nhật Nam