Tháng 3/2024, hai doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) trong nước là Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đã nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hai doanh nghiệp này mong muốn có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng cho ngành sản xuất HRC trong nước trước làn sóng đổ bộ của thép Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua.
Ngày 14/6/2024, Cục Phòng vệ thương mại có thông báo chính thức về việc hồ sơ đề nghị điều tra của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đầy đủ và hợp lệ. Trong thời hạn 45 ngày, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không điều tra vụ việc.
Như vậy, càng gần đến ngày Bộ Công Thương ra quyết định cuối cùng thì câu chuyện áp thuế bán phá giá của ngành thép ngày càng được dư luận quan tâm. Có hay chăng việc áp thuế phá giá sẽ khiến giá thép nội tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh cung không đủ cầu như hiện nay, và cuối cùng vẫn là người tiêu dùng chịu thiệt khi phải mua thép nội giá đắt...?
Được biết, để khởi xướng điều tra áp thuế bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu thì nội dung thẩm định hồ sơ sẽ bao gồm: Xác định tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương; xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.
Đối với việc xác định tư cách đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nộp hồ sơ, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Vũ Văn Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Theo Dữ liệu Hải quan, các công ty con do Hòa Phát sở hữu đã nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết tháng 3/2024 với lượng nhập khẩu ngày càng tăng.
Cụ thể, lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc của các công ty con của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 9.776 tấn và 305.400 tấn, tăng 295.624 tấn, tăng 3024% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, các công ty này tiếp tục nhập khẩu 140.065 tấn HRC từ Trung Quốc, tăng 30.528 tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, theo Luật Quản lý ngoại thương 2017 và Hiệp định Chống bán phá giá của WTO thì Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá vì doanh nghiệp này cũng đang nhập khẩu HRC từ Trung Quốc.
Ông Vũ Văn Thanh cũng khẳng định rằng: Ngành sản xuất HRC Việt Nam hoàn toàn không bị thiệt hại vì sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của 2 doanh nghiệp nội có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 – 2023 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 13,55% và 12,97%. Gần nhất, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tăng lần lượt là 1% và 4% so với cùng kỳ năm 2023.
"Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất HRC đến đâu bán hết đến đó và luôn trong tình trạng không đủ HRC để bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam. Thậm chí dù giá HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn cao hơn so với giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể cao hơn tới 90 USD/tấn thì chúng tôi vẫn bắt buộc phải mua HRC của Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh để đáp ứng các quy tắc xuất xứ khi sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Mexico và các quốc gia yêu cầu nguyên liệu Việt Nam", ông Thanh nói.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, một cuộc điều tra chống bán phá giá cần phải dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng về thị trường, bao gồm cả yếu tố cung cầu, giá cả thị trường và sự tác động của hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất nội địa. Hai doanh nghiệp (Hòa Phát và Fomosa Hà Tĩnh) phải chứng minh được họ đại diện cho một nhóm doanh nghiệp hay ngành hàng trong nước đã chịu thiệt hại thực tế phát sinh từ việc bán phá giá bất hợp lý cho mục đích đạt được lợi thế cạnh tranh.
Ngoài những yếu tố về giá, số lượng…, cơ quan điều tra là Bộ Công Thương cần xem xét thận trọng và kỹ lưỡng các thiệt hại đối với các doanh nghiệp liên quan trong nhóm ngành tôn mạ, ống thép ở trong nước trước khi khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Một ý kiến đáng chú ý nữa được Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích: Phòng vệ thương mại là biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn, hạn chế hàng hóa nhập khẩu, với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Số liệu của ngành thép cho thấy, trong khi tổng nhu cầu thép cán nóng trong 2 năm qua gần như không đổi thì nguồn cung thép cán nóng nội địa giảm gần 1,5 triệu tấn, dẫn đến lượng nhập khẩu thép cán nóng bắt buộc phải tăng tương ứng với lượng giảm của nguồn cung thép cán nóng nội địa để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
"Hiện tại, nguồn cung thép cán nóng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, vì thế doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn thép cán nóng từ nước ngoài. Nếu tiến hành điều tra chống bán phá giá thì không thể chắc chắn rằng sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế trong nước.
Trong trường hợp thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với thép cán nóng nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung thép cán nóng trở nên khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho Hòa Phát và Formosa. Khi đó, các doanh nghiệp khác trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao", Luật sư nhìn nhận.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ: "Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam đang chờ đợi và tin tưởng rằng Bộ Công Thương sẽ đưa ra những quyết định khách quan, thấu tình đạt lý, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam".
TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ nước xuất khẩu.
"Nhà nước có thể thiết kế một khuôn khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để làm sao các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định", bà Trang đề xuất.
Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, trong bối cảnh hàng loạt các dự án trọng điểm cấp bách của đất nước đang thi công ngày đêm bằng nguồn ngân sách như Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối, các tuyến đường cao tốc phải xây cầu…các dự án này có nhu cầu thép cấu kiện, thép hình là rất lớn. Như vậy, lượng thép cần cung cấp cho các dự án trọng điểm này rất lớn. Nếu như nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng thì có thể làm trì hoãn tiến độ xây dựng mà Nhà nước đặt ra.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định ngành thép là ngành đầu vào cực kỳ quan trọng của kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh. Bản thân sự phát triển của ngành thép cũng là một ngành kinh tế. Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước đều có sự nhìn nhận về vai trò của ngành thép là giống nhau. Chính vì sự quan trọng đó, thép cũng là đối tượng của các chính sách phòng vệ và bảo hộ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Trước thực trạng "bấp bênh" cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật… nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.
Trước hiện tượng gia tăng đột biến của thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương sớm mở cuộc điều tra để làm rõ có hay không hành vi bán phá giá vào Việt Nam, biên độ phá giá bao nhiêu, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước hay không, mức độ ảnh hưởng tới thị trường như thế nào,...qua đó có biện pháp kịp thời để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Liên quan vụ việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Phan Trang