Một trong bốn chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2017 tại Việt Nam là an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động của thiên tai lớn nhất trên thế giới. Cùng với đó, tác động biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra rất nhanh trên cả mức dự kiến, khiến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu càng cấp thiết. Do đó, năm nay lựa chọn chủ đề an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là một nội dung, chủ đề được các thành viên APEC rất đồng tình.
Với Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017, diễn ra từ ngày 18-25/8 tại Cần Thơ, những cam kết và hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên APEC được đặt nhiều kỳ vọng.
Với Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, từ thiếu ăn đã vươn lên không những sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho 92 triệu dân trong nước mà còn dành một phần để xuất khẩu.
Tuy nhiên, nước ta còn gặp nhiều khó khăn: Tài nguyên đất đai bị hạn chế với địa hình 3/4 là núi; đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu.
Trong năm 2016, thiên tai diễn ra khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1% GDP. Điều đó cho thấy Việt Nam đang là 1 trong những tâm điểm chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Trong diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết chúng ta đặt ra rất nhiều kỳ vọng ở diễn đàn APEC nói chung, riêng chủ đề về nông nghiệp với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là Tuần lễ APEC về nông nghiệp.
Tại diễn đàn này, mục tiêu đầu tiên đặt ra là thông qua được 3 thông điệp chuyên đề là: Kế hoạch hành động chung của khu vực về chương trình phát triển an ninh lương thực gắn với nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về Phát triển nông thôn-đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng có chất lượng và Tuyên bố Cần Thơ-đây là Tuyên bố cấp Bộ trưởng nông nghiệp APEC về Tăng cường an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn này, chúng ta muốn tiếp tục truyền cảm hứng để phát động phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, làm sao các thành phần kinh tế, các đối tượng lao động, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp, nhiều sáng tạo cho lĩnh vực nông nghiệp. Việc tổ chức thành công Diễn đàn Khởi nghiệp nông nghiệp và sáng tạo sẽ tạo ra những cơ hội để truyền cảm hứng, đồng thời để thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.
Cùng với đó, chúng ta kỳ vọng tăng cường trao đổi, xúc tiến để thu hút đầu tư. Có thể các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và ngược lại các doanh nghiệp nước ta nghiên cứu để đầu tư vào các nước trong khu vực nhằm xây dựng chuỗi nông sản theo hướng toàn cầu.
Thứ tư, khi chính sách của Nhà nước được ban hành, chúng ta kỳ vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với việc huy động tổng nguồn lực của xã hội qua hình thức đầu tư công-tư (PPP) để có nhiều nguồn lực hơn, không chỉ là nguồn tài chính mà chúng ta thu hút được nguồn quản trị trong khu vực nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp trong toàn khối nói chung và trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thông điệp Việt Nam đưa ra tại diễn đàn lớn này là: An ninh lương thực là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu, không thể chủ quan được, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực vành đai Châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, tất cả các quốc gia trong khu vực phải cố gắng vượt bậc bằng nhóm giải pháp tổng thể, không chỉ là giải pháp riêng của lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta mới giải quyết một cách căn bản được vấn đề an ninh lương thực cho người dân của khu vực.
Thông điệp thứ hai là vấn đề ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung các chính sách thu hút nguồn đầu tư ngoài xã hội để cùng nguồn lực Nhà nước nhằm giải quyết được các vấn đề rất khó khăn đang đặt ra.
Trước tình hình khó khăn, chúng ta cũng rất cần sự chia sẻ, giao lưu, tương hỗ giữa các quốc gia kể cả về khoa học-công nghệ, kinh nghiệm, tự do hóa thương mại, thúc tiến đầu tư để chúng ta cùng tháo gỡ khó khăn. Đó là những vấn đề chính kỳ vọng đưa ra để làm sao các nước trong khối cùng chia sẻ về lĩnh vực nông nghiệp.
Riêng chương trình hành động của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay chúng ta đang tập trung cao độ vào tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới-đây chính là hai nội hàm rất sâu sắc chúng ta đưa ra diễn đàn này, cũng đang là hai chương trình mục tiêu lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang tập trung.
Phương Liên