In bài viết

ASEAN 54 năm: Lửa thử vàng

(Chinhphu.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2021), Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết “ASEAN 54 năm: Lửa thử vàng” của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

08/08/2021 08:08
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Ngày 8/8/1967 đánh dấu sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một trong những tổ chức hợp tác khu vực quan trọng và thành công trên thế giới, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và khu vực. 

Từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, vượt qua muôn vàn khó khăn, ASEAN ngày nay là một tổ chức khu vực gồm 10 nước Đông Nam Á hoạt động trong khuôn khổ thống nhất, là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân có bản sắc văn hóa đa dạng và một cộng đồng kinh tế với quy mô GDP lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.

Khẳng định bản lĩnh và phát huy vai trò qua thử thách

Trải qua thăng trầm với biết bao thay đổi của thế giới trong hơn 5 thập kỷ qua, vai trò và bản lĩnh của ASEAN không ngừng được củng cố và tôi luyện. Vượt qua thử thách, khó khăn, ASEAN càng trở nên hoàn thiện và vươn lên mạnh mẽ hơn. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội chính là một minh chứng sống động cho sức sống của ASEAN, nâng tiến trình liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.

"Phương cách ASEAN" dựa trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy, tạo nên giá trị và bản sắc của ASEAN. Đoàn kết, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng đã gắn kết các quốc gia thành viên ASEAN cùng thực hiện mục tiêu chung vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Không can thiệp nội bộ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết là chuẩn mực chung cho ứng xử của các nước thành viên, song gắn kết hài hòa với tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng hình ảnh các nước ASEAN chung tay hỗ trợ nhau vượt qua tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 sẽ mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và thống nhất ASEAN.

Trải qua nhiều thử thách trước những biến động của thế giới, đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ngày được bồi đắp và củng cố. Chính “phương cách ASEAN”, đoàn kết và thống nhất đã giúp ASEAN và các nước thành viên vượt qua những giai đoạn sóng gió của khu vực và thế giới. Càng qua khó khăn và sóng gió, ASEAN càng trưởng thành, tinh thần đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm càng được đề cao, phương cách và bản sắc của ASEAN càng tỏa sáng.

Thực tế cho thấy, chỉ khi giữ vững và phát huy phương cách và bản sắc của mình, ASEAN mới khẳng định được uy tín, vị thế và vai trò trung tâm, quan hệ với các đối tác được mở rộng và sâu sắc hơn, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ và hỗ trợ của quốc tế cho thúc đẩy phát triển và liên kết của ASEAN. Đến nay, ASEAN có quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia và tổ chức quan trọng (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU…), trong đó Anh là quốc gia vừa được ASEAN trao quy chế Đối tác Đối thoại tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 ngày 2-6/8/2021. Nhiều quan điểm và quy định của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC)… được quốc tế và các đối tác hoan nghênh và ủng hộ, từ đó thúc đẩy hợp tác và nâng tầm quan hệ với ASEAN.

Trung thành với mục đích, tôn chỉ hoạt động của mình, ASEAN đã phát huy đúng, đầy đủ và phù hợp vai trò trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, ASEAN đã và đang đóng góp quan trọng vào giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế là một nội dung trọng tâm trong tiến trình liên kết ASEAN suốt hơn 5 thập kỷ qua. Đến nay, trao đổi thương mại nội khối chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Việc triển khai hiệu quả Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang thúc đẩy ASEAN tiến tới một thị trường thống nhất với quy mô hiện nay gần 3.000 tỷ USD, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động kỹ năng được lưu chuyển tự do.

Bên cạnh đó, ASEAN còn là trung tâm của không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.

Trải qua 54 năm hình thành và phát triển, ASEAN có thể tự hào là một hình mẫu liên kết khu vực thành công. Những thành quả đã đạt được là rất đáng trân trọng và là cơ sở cho niềm tin lạc quan về tương lai phát triển của ASEAN vì hòa bình, ổn định, hướng đến người dân, thượng tôn pháp luật và cùng phát triển thịnh vượng.

Việt Nam nỗ lực hết mình vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phát triển

Trong công cuộc đổi mới, ASEAN luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chính ASEAN là cánh cửa đưa Việt Nam tiến ra những “sân chơi” rộng lớn hơn của khu vực và thế giới. Tham gia ASEAN là một quyết sách có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo nên cục diện phát triển mới cho đất nước, củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tôn trọng các nguyên tắc, phương cách và bản sắc của ASEAN, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ của một thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho tăng cường đoàn kết, hiện thực hóa ý tưởng ASEAN gồm 10 nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện Tầm nhìn 2025.

Ba lần Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN đều vào những giai đoạn có nhiều thử thách đối với Hiệp hội. Năm 2000-2001, ASEAN bước vào giai đoạn chuyển tiếp xây dựng Cộng đồng sau khi khu vực vừa trải qua khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Năm 2010, cụ thể hóa tầm nhìn Cộng đồng trong bối cảnh thế giới và khu vực chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Năm 2020 thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và tình hình quốc tế trải qua nhiều biến động phức tạp.

Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm và kiên trì các nguyên tắc của ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên nỗ lực đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió, chủ động ứng phó và thích ứng với bối cảnh mới, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực, khẳng định được vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của ASEAN. Nhiều sáng kiến quan trọng năm 2020 đã trở thành tài sản chung của ASEAN như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung phục hồi tổng thể ASEAN…

Thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, với thế và lực mới của đất nước sau 35 năm đổi mới, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Trong bối cảnh mới, cần tăng cường đổi mới sáng tạo trong tham gia ASEAN để cùng các nước thành viên phát huy tốt hơn vai trò, bản sắc và thế mạnh của ASEAN, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên ASEAN cũng như các đối tác trong và ngoài khu vực.

Với tư duy chủ động, tích cực, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên nỗ lực triển khai hiệu quả các sáng kiến và thỏa thuận hợp tác, đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề chung của ASEAN và khu vực.

Muốn vậy, điều cốt yếu là cần tăng cường hơn nữa phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong hợp tác ASEAN, đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương chuyên nghiệp, hiện đại, quan tâm dành nguồn lực phù hợp cho đăng cai và xây dựng các trung tâm có lợi ích thiết thực của ASEAN tại Việt Nam, có cơ chế chính sách tăng cường cán bộ Việt Nam làm việc trong các cơ quan ASEAN…

Con đường phía trước có thể có những gập ghềnh, song phát huy phương cách, bản sắc và giá trị riêng cùng quyết tâm và tiềm năng phát triển to lớn của các nước thành viên, ASEAN sẽ viết tiếp những chương thành công về xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường, mang lại lợi ích cho các nước thành viên, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Việt Nam tiếp tục làm hết sức mình cùng ASEAN thực hiện thành công mục tiêu tốt đẹp này.

Bùi Thanh Sơn

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao