Hội nghị tán thành với những đề xuất thành lập các nhóm công tác nhằm xem xét, đánh giá những phương thức hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN, pháp luật về hợp pháp hóa các tài liệu công của nước ngoài, Hiệp định về dẫn độ ASEAN và luật mẫu về an ninh hàng hải.
Các Bộ trưởng cũng đồng ý với những đề xuất tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 3 về hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại; Chương trình quan chức pháp luật các nước ASEAN và tổ chức Hội thảo về trọng tài đầu tư và thương mại quốc tế.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho hay, những thỏa thuận đạt được tuy chưa có quy định cụ thể nhưng đã khai thông sự hợp tác về tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. ''Hài hòa hóa pháp luật về thương mại, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, miễn hợp pháp hóa giấy tờ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong ASEAN. Sau này các cơ quan có thẩm quyền sẽ bắt tay phối hợp triển khai cụ thể'', ông lạc quan nói.
Bình luận về kết quả Hội nghị, Phó Tổng thư ký ASEAN Wilfrido V.Villacorta hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam mà bằng chứng là đã được sự đồng thuận của Hội nghị. Tuy nhiên, ông cho rằng, liên kết trong ASEAN còn lỏng lẻo, nhất là về tư pháp và pháp luật. Hội nghị lần này đã đạt được mục đích là tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hài hóa pháp luật trong ASEAN, soạn thảo những Hiệp định cho sự hợp tác sâu rộng hơn trong ASEAN.
Trong thông cáo chung, các Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các mối quan hệ với Hội nghị bộ trưởng các nước ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia trong việc phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và chống khủng bố.
Trước quan tâm của báo giới, ông Phó Tổng thư ký ASEAN Wilfrido V.Villacorta giải thích, vấn đề này không có gì mới mà chỉ là đề xuất, nhấn mạnh sự hợp tác, phối hợp. Ông cho biết thêm, Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự năm 2004, trong 10 nước ASEAN thì chỉ còn Thái Lan và Myanmar chưa ký tham gia.
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, thông cáo chung của Hội nghị cho thấy thẩm quyền của Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) được mở rộng như: ASLOM tiếp tục hợp tác phát triển khung pháp luật trong khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập và liên kết hơn nữa trong khối; ASLOM có thể tư vấn xử lý các vấn đề liên quan đến hợp tác pháp luật nhằm hỗ trợ những sáng kiến hội nhập trong ASEAN... Điều này đảm bảo cho việc biến những sáng kiến, ý tưởng đã được Hội nghị đồng thuận thành chương trình, hành động hiện thực, cụ thể.
Các Bộ trưởng tư pháp ASEAN cũng đồng ý tổ chức Hội nghị bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN lần thứ 7 tại Brunei Darussalam vào năm 2008.
(VietnamNet)