Dưới sự chủ trì của Đại sứ Dino Pati Djalal, Người sáng lập Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia, phiên thảo luận thứ nhất Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 có nội dung xoay quanh những mô hình quản trị và chính sách giúp các nước ASEAN ứng phó hiệu quả với môi trường chiến lược phức tạp và những thách thức đang nổi lên để duy trì động lực tăng trưởng.
Ông Erywan Yusof, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thứ hai Brunei; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng là diễn giả chính tại phiên thảo luận.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Erywan Yusof điểm lại quá trình phát triển nhanh và nhiều thành tựu của ASEAN. Trước những thách thức và thay đổi lớn, Bộ trưởng Erywan Yusof cho rằng ASEAN cần sẵn sàng và chuẩn bị cho người dân tận dụng những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy nền kinh tế khu vực phát triển có tính cạnh tranh cao hơn, bao trùm hơn.
Đồng thời, Hiệp hội cần tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác đối thoại giữa các thành viên và với các đối tác. Ngoài ra, ASEAN cần phát triển đường hướng, thúc đẩy công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong bài tham luận của mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số và xây dựng Cộng đồng ASEAN số. Theo đó, ông Hùng cho rằng ASEAN cần xây dựng thể chế số, cơ sở hạ tầng số và nguồn nhân lực số để chuẩn bị cho tương lai.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và mong muốn học hỏi các quốc gia thành viên cũng như đối tác của ASEAN trong lĩnh vực chuyển đổi số.
"Tương lai của ASEAN là tương lai kỹ thuật số. Để xây dựng một tương lai như vậy, chúng ta cần phải làm nhiều điều và trước tiên là hợp tác với nhau", ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sẽ trao quyền cho con người nhưng chỉ khi họ làm chủ kỹ năng số. Gần 700 triệu công dân ASEAN cần có kiến thức cơ bản về kỹ thuật số để trở thành công dân điện tử. Song đây là thách thức rất lớn vì hơn 50% dân số ASEAN đang sống ở khu vực nông thôn.
Việt Nam có nhiều sáng kiến nhằm cung cấp kỹ năng số cơ bản cho người dân như làng số, nhóm số trong mỗi cộng đồng, sử dụng nền tảng số và các khóa học trực tuyến mở đại trà...
GS. Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đánh giá ASEAN đã đạt được thành công to lớn trong việc duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng một cộng đồng đa dạng văn hóa. Những thành tựu này là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm: Hợp tác và đồng thuận; chủ nghĩa thực tiễn; cởi mở và hội nhập; đa dạng văn hóa.
Theo GS. Tetsuya Watanabe, thành công của ASEAN là bài học quý giá cho các khu vực khác trên thế giới trong việc xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển. Để tiếp tục duy trì thành công trong tương lai, ASEAN cần tiếp tục củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác và đổi mới sáng tạo.
Với chủ đề "ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững", phiên thảo luận thứ nhất tập trung thảo luận về những định hướng tương lai nhằm thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.
Các đại biểu đã đưa những phương cách áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu hài hòa giữa thịnh vượng và phát triển bền vững. Ngoài ra, các ý kiến cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh, chuỗi cung ứng bền vững và đổi mới sáng tạo trong cung cấp các giải pháp giúp các quốc gia tăng trưởng kinh tế, xã hội nhưng vẫn gắn với bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh địa chiến lược phức tạp, các đại biểu đề xuất những mô hình quản trị phù hợp để các nước ASEAN duy trì phát triển nhanh và bền vững; đưa ra những biện pháp của ASEAN nhằm thích ứng và đóng góp cho kiến trúc quản trị toàn cầu.
Hướng tới một tương lai phát triển nhanh và bền vững, một số đại biểu cũng chỉ ra những biện pháp để các nước ASEAN đưa các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào chiến lược phát triển quốc gia một cách hiệu quả, duy trì tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ nhân lực trong nền kinh tế số.
Một số ý kiến đề cao sự hợp tác khu vực, sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, quản lý, sử dụng tài nguyên bền vững và phát triển các thành phố thông minh.
Ngoài ra, phiên thảo luận cũng tập trung vào vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), 5G, chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ mới nổi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch.
Tựu chung, nội dung thảo luận tại phiên toàn thể thứ nhất hướng tới sự gắn kết giữa Cộng đồng ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDG 2030), giữa Diễn đàn Tương lai ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc, giúp ASEAN đóng góp thiết thực hơn vào các tiến trình đa phương toàn cầu./.
Thùy Dung-Tuấn Dũng