Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành chăn nuôi trong quý I/2024 đã ghi nhận những con số tăng trưởng khá ổn định. Tổng sản lượng thịt hơi các loại trong giai đoạn này ước đạt trên 2 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là hoạt động chủ lực, chiếm 64% tổng sản lượng các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Không chỉ phía sản xuất, giá thành đầu ra cũng hồi phục mạnh trong 4 tháng đầu năm. Ghi nhận trong sáng nay (29/5), giá lợn hơi xuất chuồng đã chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 5 năm qua. Diễn biến tăng giá mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn tháng 4 hằng năm là hiện tượng hiếm thấy bởi nhu cầu tiêu thụ thường giảm vào mùa Hè.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nguồn cung lợn hơi nội địa vẫn đang ở mức thấp, sau đợt dịch tả heo châu Phi (ASF) và lượng nhập khẩu giảm do chênh lệch với giá lợn từ Campuchia và Thái Lan thu hẹp. Trong khi đó, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi vẫn ở trong giai đoạn tái đàn, phải chờ ít nhất là tới cuối năm nay mới có thể đưa ra thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, giá lợn hơi được kỳ vọng vẫn sẽ neo cao trong trung hạn, củng cố triển vọng lạc quan của ngành chăn nuôi trong năm 2024.
Ưu thế vẫn thuộc về doanh nghiệp ngoại
Đà tăng trưởng ổn định thể hiện ngành chăn nuôi vẫn có tiềm năng phát triển khá rộng và phản ánh những chuyển biến từ trong cơ cấu thị trường sau các chính sách hướng tới hỗ trợ phát triển quy mô doanh nghiệp thay vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 5 năm qua, số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ nhỏ lẻ đã giảm 15-20%. Tỉ trọng sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, trang trại chiếm 60-65%. Đây là hệ quả tất yếu khi ngành chăn nuôi phải thay đổi, thích nghi sau nhiều biến cố kể từ dịch COVID-19. Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết khép kín là giải pháp cốt lõi để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn đi qua cũng làm lộ rõ những khó khăn mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt, khi các doanh nghiệp ngoại vẫn đang dẫn đầu đường đua và ngày càng có ưu thế hơn. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay, nước ta có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài, chiếm tỉ lệ 32% nhưng lại nắm giữ 65% thị phần.
Một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp nước ngoài thường có chiến lược kinh doanh bài bản và áp dụng chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín, giúp tối ưu hóa hiệu quả. Ngoài ra, một yếu tố khác khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước kém cạnh tranh là sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn khiến các doanh nghiệp nội địa khó có thể cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp nước ngoài có chuỗi cung ứng ổn định và chi phí thấp hơn.
Hàng năm, Việt Nam dành nguồn ngân sách rất lớn để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì để phục vụ sản xuất trong nước. Ngành chăn nuôi tiêu thụ hơn 33 triệu tấn thức ăn mỗi năm, chủ yếu dành cho chăn nuôi gia cầm và lợn. Tuy nhiên, sản lượng nội địa chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu này.
Theo số liệu hải quan, trong tháng 4/2024, Việt Nam chi 498,82 triệu USD để nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 6,7% so với tháng 3/2024 và tăng 34,8% so với tháng 4/2023. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 1,69 tỷ USD, tăng 9,8% so với 4 tháng đầu năm 2023.
Một số mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm ngô, đậu tương, lúa mì đều có khối lượng tăng mạnh so với 4 tháng đầu năm 2023. Mặc dù vậy, tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên liệu thô vẫn chậm hơn đáng kể bởi giá nông sản thế giới đã ở trong xu hướng giảm mạnh kể từ năm 2022 cho tới cuối tháng 2 năm nay.
MXV cho biết, mặc dù giá thành đầu ra tăng cao đi kèm với chi phí nguyên liệu giảm đã tạo ra bối cảnh thị trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp chăn nuôi nhưng tình hình sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn. Nhu cầu nhập khẩu dự báo vẫn sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 trong khi giá các loại nông sản thế giới đang có dấu hiệu đảo chiều, nhảy vọt trong vòng 1 tháng gần đây.
Giá ngô, lúa mì Chicago lần lượt ghi nhận các đợt tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2023. Đà tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi lo ngại về nguồn cung tại các nước sản xuất lớn không ngừng gia tăng, đặc biệt là hiện tượng sương giá gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ lúa mì của Nga và rủi ro khi mùa vụ của Mỹ bước vào giai đoạn phát triển quan trọng.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam, để ứng phó với tình trạng chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, các doanh nghiệp cần thực hiện một số biện pháp quan trọng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm nguồn cung mới và thay đổi công thức cám để sử dụng các sản phẩm thay thế khi giá nguyên liệu tăng. Ví dụ, có thể sử dụng lúa mì hoặc sắn lát thay thế ngô. Việc này giúp giảm sự phụ thuộc vào một loại nguyên liệu duy nhất và linh hoạt hơn trong sản xuất.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào các nhà máy ép dầu để chủ động chuỗi cung ứng khô đậu tương, một nguyên liệu có giá trị cao và khó thay thế. Việt Nam có thể nhập khẩu đậu tương hạt để ép dầu, tạo ra các sản phẩm như khô đậu cho thức ăn chăn nuôi, dầu đậu phục vụ cho thực phẩm và vỏ đậu tương cho sản xuất thức ăn cho bò sữa. Điều này không chỉ giúp ổn định nguồn cung mà còn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong nước.
Thứ ba, để giảm thiểu rủi ro chi phí nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá (hedging) trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việc áp dụng các công cụ tài chính này giúp doanh nghiệp ổn định chi phí đầu vào trước những biến động trên thị trường quốc tế.