Các nhà máy chế biến gạo sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, chuỗi giá trị sản xuất và nâng cải thiện đời sống người trồng lúa. |
Để đảm bảo nhu cầu nguyên liệu phục vụ xay xát và chế biến gạo của nhà máy chế biến gạo Thoại Sơn, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu 2.500 ha, chủ yếu trồng loại giống lúa thơm Jasmine 85. Hợp đồng sản xuất lúa và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với công ty sẽ được ký kết ngay trong vụ đông xuân 2011-2012. Công ty lo đầu vào từ giống, phân, thuốc trừ sâu với giá thấp hơn thị trường nên bà con yên tâm hơn sản xuất.
Nhà máy chế biến gạo Thoại Sơn xây dựng trên diện tích 8,2 ha có tổng vốn đầu tư 212 tỷ đồng. Nhà máy có năng lực ban đầu về xay xát và chế biến lúa gạo 100.000 tấn/năm, sau khi đi vào hoạt động hoàn chỉnh sẽ nâng lên 200.000 tấn/năm. Nhà máy được trang bị hệ thống sấy 500 tấn/ngày, sau đó nâng công suất lên gấp đôi. Đây là nhà máy chế biến gạo thứ 3 của công ty đi vào hoạt động và một trong 3 nhà máy chế biến gạo có quy mô lớn nhất ĐBSCL.
Trước đó, nhà máy chế biến xuất khẩu gạo Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang và nhà máy chế biến Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã đi vào hoạt động.
Tới đây, nhà máy chế biến gạo Vĩnh Hưng ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, với quy mô tương tự nhà máy chế biến gạo Thoại Sơn và Tân Hồng cũng sẽ đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, chuỗi giá trị sản xuất và nâng cải thiện đời sống người trồng lúa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Theo dự báo, đến tháng 3 này, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ với diện tích lúa đông xuân 1,5 triệu ha; sản lượng lúa hàng hóa dự kiến sẽ đạt 10,3 triệu tấn.
Vũ Trọng