Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) xác định phương châm phát triển tỉnh toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển. Đó là, hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ; hình thành các đô thị du lịch, định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, tập trung vào hệ thống đường sắt Biên Hoà-Vũng Tàu; hệ thống metro kết nối các trung tâm đô thị, hệ thống monorail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu; sân bay chuyên dùng Gò Găng và sân bay chuyên dùng Đất Đỏ; hiện đại hoá hệ thống hạ tầng đô thị và các các công trình hạ tầng khác.
Cùng với đó, nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, khắc phục xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng chức năng: Công nghiệp-cảng biển; du lịch, nông nghiệp cân bằng sinh thái và vùng biển-hải đảo.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần bổ sung, làm rõ phương án kết nối với sân bay Long Thành dự kiến được đưa vào khai thác, sử dụng năm 2025 và thúc đẩy du lịch Côn Đảo.
"Đường vành đai, hành lang kinh tế trong Quy hoạch phải gắn với sân bay quốc tế Long Thành để tận dụng hạ tầng hàng không, tăng cường giao thương hàng hoá và phát triển du lịch. Ngoài ra, cần bổ sung các giải pháp để phát triển Côn Đảo thành trung tâm du lịch, bảo tồn và nghiên cứu hải dương của cả nước vì nơi này có nguồn tài nguyên sinh học vô cùng đa dạng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhận định Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang chủ yếu dựa vào dầu khí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh phải xác định rõ sứ mệnh của mình trong thời kỳ tới, xứng đáng là một cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Bộ trưởng cũng lưu ý, tỉnh phải tính toán để tăng cường phát triển đô thị, các ngành công nghiệp giá trị cao, ngành kinh tế mới, sản phẩm mới, thậm chí cần phải táo bạo hơn vì còn rất nhiều dư địa và tiềm năng phong phú.
Đối với Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cho biết, các ý kiến thẩm định cơ bản nhất trí với việc Quy hoạch xác định phương châm phát triển "Đột phá - năng động - sáng tạo - bền vững" và 5 trụ cột phát triển, gồm: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; hình thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; cảng trung chuyển quốc tế; trung tâm logictics cấp quốc gia và khu thương mại tự do; hình thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng kịch bản được lựa chọn chưa có tính đột phá, tốc độ tăng trưởng mang tính an toàn, dễ đạt được. Mục tiêu tổng quát cần làm rõ vị trí của tỉnh trong vùng, xác định rõ vai trò tạo động lực phát triển đối với toàn vùng và các tỉnh lân cận.
"Cần rà soát số liệu dự báo về GRDP/người, bổ sung chỉ tiêu kinh tế biển, chỉ tiêu kinh tế số và khái quát một số chỉ tiêu đến năm 2050 để minh họa cho vị trí của tỉnh so với vùng và cả nước", ông Đinh Trọng Thắng chia sẻ.
Các ý kiến thẩm định cũng đề xuất Quy hoạch tỉnh cần tập trung đẩy nhanh đầu tư các hạ tầng kết nối với TPHCM, bao gồm cả tuyến đường sắt; làm rõ việc gắn kết các hành lang kinh tế, mở rộng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực; rà soát, xây dựng phương án phát triển khu công nghiệp; về hạ tầng năng lượng, bổ sung phương hướng phát triển đường dây 110 kV và sơ đồ, bản đồ lưới điện trên địa bàn tỉnh; về hệ thống giao thông: rà soát, cập nhật lộ trình đầu tư tuyến cao tốc,…
Tổng kết, 100% thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.
Minh Ngọc