In bài viết

Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép 4 huyện mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

(Chinhphu.vn) - UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản hỏa tốc cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo trong thời gian từ ngày 15/9 đến ngày 30/10.

13/09/2021 09:25

Lực lượng dân quân thường trực của TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) tuần tra lưu động, kiểm tra giấy tờ người dân ra đường. Ảnh: Báo BRVT

Việc này nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ được phép mở lại một số hoạt động sản xuất. Các cơ sở sản xuất sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp). Các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hơn 14 ngày thì chỉ người lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Chủ doanh nghiệp (DN) phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong DN và xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ 5 ngày/lần.

Điều kiện bắt buộc là DN và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng người lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại. Người lao động phải cam kết di chuyển theo đúng lịch trình đã đăng ký. DN và người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng cung đường và lịch trình di chuyển.

UBND các huyện triển khai thực hiện các giải pháp duy trì ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 10473/UBND-VP ngày 16/8/2021. Người lao động, nông dân đi lao động, sản xuất ngoài địa bàn xã, thị trấn cư trú phải thực hiện đăng ký đi và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Cụ thể, khác xã, thị trấn nhưng cùng một huyện thì UBND cấp xã nơi đi có trách nhiệm xem xét thống nhất với UBND cấp xã nơi đến; khác địa bàn huyện thì UBND huyện nơi đi có trách nhiệm xem xét thống nhất với UBND huyện nơi đến. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản được hoạt động nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch theo quy định.

Các loại hình thương mại – dịch vụ, du lịch được phép hoạt động kinh doanh trở lại khi đảm bảo quy định về phòng chống dịch. Trong đó, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch trước khi được phép hoạt động trở lại theo Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị”.

Các địa phương tổ chức hoạt động trở lại chợ truyền thống chỉ kinh doanh các hàng hóa thiết yếu khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp hàng hóa của tiểu thương thông qua điểm tập kết hàng hóa, xét nghiệm định kỳ theo quy định đối với tiểu thương và kiểm soát số lượng người vào chợ, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Quy định cụ thể thời gian và phương thức hoạt động chợ phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn; đồng thời áp dụng hình thức phát phiếu 2 lần/tuần, có chia khung giờ theo khu phố, thôn, ấp. 

Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ kinh doanh mặt hàng thiết yếu phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 trước khi hoạt động trở lại. Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp cho người dân; người giao hàng là nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Cửa hàng sau khi được thẩm định đủ điều kiện sẽ gắn bảng hộ kinh doanh “xanh” hoặc hộ kinh doanh an toàn. 

Đối với hoạt động du lịch, cho phép thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với các khách sạn: Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo.

Đối với hoạt động giao thông vận tải, tập trung kiểm soát chặt các phương tiện vận tải và tất cả người theo xe, đảm bảo phòng chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến, các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào của các huyện. Sắp xếp, bố trí lại các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 một cách khoa học và có sự thống nhất giữa các địa phương với nhau, đặc biệt tại vị trí kết nối giữa các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, giữa các địa phương áp dụng Chỉ thị 15 và Chị thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện việc test nhanh theo quy định.

Các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện sử dụng lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện; người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công xây dựng phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 tại các công trình; triển khai giải pháp 5K vaccine để các công trình vốn ngân sách phải được tổ chức hoạt động trở lại.

Các huyện cho phép một số nhà ở dân dụng đang xây dựng dở dang có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng tiếp tục triển khai (với số lượng công nhân dưới 10 người), sử dụng người lao động là người dân sinh sống trên địa bàn huyện và đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định.

Riêng huyện Côn Đảo, tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 12464/UBND-VP ngày 8/9 về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh./.