Năm 2024, huyện Tân Yên có 1.420 ha vải thiều, sản lượng ước khoảng 15.500 tấn, thời gian thu hoạch từ ngày 22/5 đến ngày 20/6.
Bên cạnh vùng trồng vải VietGAP 900 ha, đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện Tân Yên cũng đã mở rộng thêm 2 vùng sản xuất vải thiều sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, với diện tích 21,6 ha để phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Dự kiến sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 5.550 tấn.
Năm 2024, huyện Tân Yên dự kiến sẽ có khoảng 7.800 tấn vải tiêu thụ ở trong nước và 7.700 tấn tiêu thụ thị trường ngoài nước.
Giá vải hiện dao động từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, trong đó có những vườn vải đẹp giá thu mua tại vườn là 50 nghìn đồng/kg, như vậy là được giá và thực tế tình hình tiêu thụ rất thuận lợi.
Xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên là vùng trồng vải sớm của huyện. Xã có hơn 700 ha vải, trong đó trên 400 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm nay, sản lượng vải thiều sớm của xã ước đạt hơn 10.000 tấn.
Bên cạnh đó, năm 2024, xã Phúc Hòa đã mở rộng thêm 2 vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng công nghệ khoa học trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản… để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và cho xuất khẩu.
Theo lãnh đạo HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, vải sớm của huyện Tân Yên được người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng thơm ngon và mẫu mã đẹp. Ngay từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp, HTX xuất khẩu, tiêu thụ vải đã đến huyện Tân Yên khảo sát từ sớm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Ngô Quốc Hưng, thời gian qua, để thúc đẩy phát triển vùng trồng vải, huyện Tân Yên luôn quan tâm chỉ đạo sản xuất, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho bà con nông dân sản xuất cũng như đối với các doanh nghiệp hay thương nhân đến thu hoạch.
Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Thái Lan...
Để phát triển và mở rộng vùng trồng vải cũng như nâng cao chất lượng, thị trường tiêu thụ, huyện rất cần sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ từ các bộ, ban, ngành và tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, thương nhân, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Huyện cũng đẩy mạnh việc phối hợp với các hộ gia đình trong vùng cùng tham gia vào chuỗi phát triển du lịch của địa phương, xây dựng các tour du lịch, đưa khách đến địa phương khám phá, trải nghiệm các sản phẩm chủ lực đặc trưng của huyện, từ đó góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho bà con nông dân.
Thiện Tâm