Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5/2021 đến 20/7/2021 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6).
Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID - 19 đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của địa phương, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kịch bản để tiêu thụ vải thiều.
Cấp giấy xác nhận vải thiều an toàn với dịch COVID - 19
Theo Kế hoạch 2189/KH-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 17/5 về tiêu thụ vải thiều tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn các huyện, thành phố cấp giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh này.
UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Y tế và Sở Công Thương tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện cấp giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, trong kế hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND huyện Tân Yên, UBND huyện Lục Ngạn thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng vải tập trung của huyện để kiểm soát công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều, đảm bảo không có trường hợp F1 ở khu vực các vùng vải tập trung;
Kế hoạch cũng cho biết Sở NN&PTNT Băc Giang sẽ phối hợp với Sở Y tế Bắc Giang lập hồ sơ và tổ chức xác nhận an toàn dịch bệnh đối với các hộ, mã số vùng trồng vải; các cơ sở đóng gói vải thiều trên địa bàn.
Trong giấy xác nhận lô hàng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh COVID-19 sẽ có đầy đủ các nội dung liên quan đến chủ lô hàng, gồm tên, số chứng minh thư nhân dân, ngày xét nghiệm và kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2; xuất xứ lô hàng, khối lượng lô hàng, cơ sở đóng gói... Thông tin về lái xe vận chuyển cũng được thể hiện đầy đủ gồm tên, số chứng minh thư nhân dân, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV -2...
Giấy xác nhận do UBND cấp huyện cấp và có xác nhận của Phòng Y tế huyện và ghi rõ thời hiệu.
Huy động mọi lực lượng hỗ trợ thu hoạch vải thiều
Theo kế hoạch, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cho phép lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển vải thiều.
Ngày 20/5, Sở Công Thương Bắc Giang đã thành lập tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn năm 2021.
Các thành viên thường trực có mặt tại cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu qua các cửa khẩu; thường xuyên báo cáo tình hình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, phương án xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Các thành viên tổ hỗ trợ sẽ thường xuyên thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu vải thiều các quy định, điều kiện về người, phương tiện và hàng hóa vận chuyển, lưu thông đi đến cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.
Lãnh đạo ngành Công Thương kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang
Ngày 21/5, trong Đại hội nhiệm kỳ VIII của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản từ các vùng có dịch sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu, ảnh hưởng lớn đến nông dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh hiện nay Bắc Giang đang là nơi có số ca nhiễm nhiều và có thể tiếp tục tăng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 44.000 tấn thịt lợn, 10.000 tấn thịt gia cầm, gần 17.000 tấn thủy sản, 20.000 tấn rau các loại, 15.000 tấn dứa, 180.000 tấn vải thiều đã vào vụ thu hoạch, 20.000 tấn nhãn, 15.000 tấn na cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8 và các nông sản khác như cam, bưởi, táo... Sản phẩm nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang. Đây là hành động thiết thực của các doanh nghiệp logistics để ủng hộ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong phòng chống dịch.
Đỗ Hương