Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh như trên tại "Lễ Kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam và trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất" do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 18/5.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, trong thời gian qua, ngành KH&CN của tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học; người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.
Trong 5 năm (giai đoạn 2016-2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang bình quân đạt 14%/năm-thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước.
Các ngành kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhiều lĩnh vực duy trì thứ hạng tốp đầu khu vực và cả nước... Những kết quả đó, có vai trò hết sức quan trọng của KH&CN.
Theo ông Mai Sơn, trong hoạt động quản lý nhà nước, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng KH&CN được tỉnh Bắc Giang ban hành và đang phát huy hiệu quả như: Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường KH&CN; hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Qua đó, tạo điều kiện cho lĩnh vực KH&CN của tỉnh đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh.
Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao mà lần đầu tiên được sản xuất ở Bắc Giang như: Sản phẩm của Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời...
Đây là những sản phẩm công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; là những sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang đã quan tâm ứng dụng KH&CN, phát triển nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên.
Bắc Giang đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô gần 50.000 ha, trong đó Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo… được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Bên cạnh đó, tỉnh rất quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Bắc Giang là tỉnh đứng tốp đầu cả nước trong bảo hộ các quyền về sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: Gà đồi Yên Thế, rau Yên Dũng, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Ông Mai Sơn cho biết, Bắc Giang đang tập trung phát triển toàn diện các ngành kinh tế, cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó xác định công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ưu tiên và tập trung nguồn lực cho phát triển KH&CN. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển KH&CN, gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN.
Đại diện Bộ KH&CN, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng, những thành tựu trên không chỉ thể hiện nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành và nhân dân Bắc Giang mà còn thể hiện sự tư duy và chiến lược, sự chỉ đạo quyết liệt trong quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Bộ KH&CN mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ đầu tư kinh phí, nhân lực KH&CN; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với cơ quan Trung ương triển khai các dự án điểm về KH&CN…
Cũng tại buổi lễ Kỷ niệm, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN tỉnh lần thứ nhất cho 4 loại hình báo chí, gồm 1 giải A, 2 Giải B, 4 Giải C và 8 Giải khuyến khích.
Đây là dịp để ghi nhận sự đồng hành, sáng tạo của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo, cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đã truyền tải các kết quả nghiên cứu, các kiến thức khoa học, kĩ thuật tiên tiến, hoạt động sáng tạo về KH&CN … giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN ngày càng rõ nét hơn.
Phát động giải thưởng báo chí về KH&CN tỉnh Bắc Giang lần 2, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình hy vọng, giải thưởng sẽ có sức lan tỏa, để tiếp tục phát huy vai trò của ngành KH&CN tỉnh Bắc Giang nói riêng, hoạt động KH&CN nói chung thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Hoàng Giang