In bài viết

Bắc Giang phát huy thế mạnh từ kinh tế tập thể

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, hoạt động kinh tế tập thể, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát huy thế mạnh và đạt được nhiều kết quả khả quan với số lượng đơn vị thành lập mới cao, phát triển đa dạng trên các ngành, lĩnh vực.

11/05/2024 09:25
Bắc Giang phát huy thế mạnh từ kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Sản phẩm nem nướng của Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung - Ảnh: VGP/TT

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua cơ bản tiếp tục có bước phát triển ổn định. Bên cạnh việc duy trì số lượng thành lập mới cao và đa dạng trong các ngành, lĩnh vực, chất lượng hoạt động ngày càng đổi mới, đã dần được khẳng định được ưu thế và vai trò của Hợp tác xã đối với phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. 

Đóng góp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tới kinh tế hộ thành viên thể hiện qua những tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển sản xuất tập trung theo quy trình, kế hoạch cụ thể. Từ đó hợp tác xã giúp các hộ nông dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn hỗ trợ của nhà nước, khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm với gia trị gia tăng cao; thu nhập tăng trung bình 14-15% nhờ việc giảm giá các dịch vụ sản xuất đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, các Hợp tác xã cũng đã phát huy vai trò nòng cốt là tổ chức đại diện cho hộ nông dân thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp giúp các thành viên có hướng tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Tính đến ngày 29/2, Bắc Giang có 1.127 Hợp tác xã, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 741 hợp tác xã, chiếm 65,75 %; lĩnh vực phi nông nghiệp có 365 hợp tác xã, chiếm 32,45 %. Quỹ tín dụng nhân dân là 20 quỹ, chiếm 1,8%. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã là 2.829 tỷ đồng và số thành viên tham gia hợp tác xã là 42.950 người.

Trong năm 2023, có 101 hợp tác xã thành lập mới, vượt 68,3% kế hoạch. Tổng số vốn điều lệ đăng ký mới là 342,289 tỷ đồng và có 736 thành viên tham gia. Doanh thu bình quân một hợp tác xã có hoạt động sản xuất là 1,5 tỷ đồng/Hợp tác xã/năm, với lãi bình quân đạt 200 triệu đồng/hợp tác xã/năm, con số này cao hơn so với mức bình quân cả năm 2022.

Đối với Liên hiệp hợp tác xã, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 4 Liên hiệp hợp tác xã đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 28 hợp tác xã thành viên tham gia. Có hai Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động cầm chừng theo Luật Hợp tác xã 2012 (Liên hiệp Hợp tác xã dùng nước kênh Y2 và Liên hiệp Hợp tác xã hữu cơ Hiệp Hòa) và hai Liên hiệp hợp tác xã đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể (Liên hiệp Hợp tác xã cựu chiến binh Sông Cầu, Liên hiệp Hợp tác xã Hà Bắc).

Bên cạnh đó, Bắc Giang hiện có 374 tổ hợp tác (trong năm 2023 thành lập mới được 63 THT, đạt 94% kế hoạch), hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề… Các tổ hợp tác hoạt động chủ yếu là giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống. Thực tế hiện nay, số lượng và loại hình tổ hợp tác cụ thể ở các địa phương không được thống kê đầy đủ, do phần lớn các tổ hợp tác này không thực hiện đăng ký hoạt động với chính quyền cơ sở.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng hơn 900 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, bắt kịp với xu hướng kinh tế nông nghiệp trong nước và thế giới. Đồng thời, nhiều sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn và được thị trường tin dùng. Tiêu biểu như sản phẩm nem nướng Liên Chung của Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung đã đạt OCOP 4 sao, tương Liên Chung của Công ty TNHH LC Food đạt OCOP 3 sao.

Theo ông Nguyễn Thế Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung, đây là một món ăn truyền thống, mang đặc trưng vùng miền gắn bó nhiều đời nay với người dân Liên Chung. 

Sản phẩm có nguyên liệu chính từ thịt lợn được tuyển chọn kỹ càng, trộn với thính gạo tẻ rang giã nhỏ rồi ủ chua, kết hợp với hương vị đặc trưng của lá ổi bánh tẻ, hạt tiêu, lá chuối. Với nét đặc trưng và là món ăn có từ lâu đời, nhất là sau khi đạt chứng nhận OCOP, nên sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện nay, trung bình hợp tác xã sản xuất và cung ứng ra thị trường từ 5-6 tấn/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 17-20 lao động với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì số lượng hợp tác xã tuy đã đăng ký thành lập mới tăng nhưng số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giải thể còn nhiều, ảnh hưởng đến công tác quản lý, triển khai các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh Bắc Giang. 

Còn có hợp tác xã hoạt động mang tính hình thức, chưa đúng theo quy định của Luật Hợp tác xã , chưa đảm bảo tính thực chất, chưa thu hút đông đảo thành viên tham gia… Bên cạnh đó, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã sản xuất với đơn vị bao tiêu chưa được chặt chẽ, thiếu bền vững (công tác thanh toán công nợ còn chậm; kỹ thuật sản xuất của một số hợp tác xã chưa đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm; vẫn bị ép giá…)...

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, khó khăn cho kinh tế tập thể, Hợp tác xã, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đồng hành, thực hiện. 

Đồng thời đa dạng các hình thức hợp tác, tăng cường tư vấn hỗ trợ dịch vụ, kết cấu hạ tầng cho thành viên tham gia hợp tác xã. Từ đó tạo tiền đề cho hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các thành viên hợp tác xã; đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thiện Tâm