In bài viết

Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang: Đối phó với nước biển dâng và ảnh hưởng của xâm nhập mặn

* Liên tiếp từ ngày 22-24/3, nước biển dâng cao bất thường so với cùng kỳ, cộng thêm gió to, sóng lớn làm sạt lở, tràn ngập nghiêm trọng, uy hiếp cả khu du lịch Nhà Mát và nhiều tuyến đường giao thông ngoại ô thành phố Bạc Liêu(tỉnh Bạc Liêu).

25/03/2011 11:36
Tại cửa biển Nhà Mát, thuộc khu du lịch Nhà Mát, nước dâng cao làm ngập cả khu du lịch Nhà Mát, cộng thêm sóng đánh cao cả mét, làm tuyến đê, kè biển sụt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, tại cầu dẫn ra nhà hàng nổi Bạc Liêu, khu ẩm thực Phố Biển sóng đánh mạnh, làm sụp mố chân cầu. Cùng với đó, trạm quan sát của Đồn Biên phòng 664, sóng đánh tạo hàm ếch khoét sâu vào đất liền. Trên tuyến đường Cao Văn Lầu nối liền cửa biển Nhà Mát vào thành phố Bạc Liêu dài hơn 10km, có đến hơn 10 điểm ngập và nhiều nhà dân, hoa màu chìm trong nước. Thủy triều dâng cao không gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, có nhiều trường họp đi ngang qua bị nước cuốn trôi xe. Đặc biệt là các em học sinh đi qua những đoạn đường này thường bị nước làm ướt hết quần áo và đe dọa đến tính mạng. Nước biển dâng cao còn làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của hộ dân sống ven cửa biển này.
Các hộ dân sống ở đây cho biết, chưa bao giờ thấy nước biển dâng bất thường như năm nay. Nếu như trước đây, nước biển lên cao nhất là vào các tháng 11, 12 trước Tết Nguyên đán, nhưng năm nay thì ngược lại, nên người dân gặp nhiều lúng túng. Tuy nhiên, điều đáng nói: Đây là đợt thứ 3 liên tiếp nước biển dâng cao bất thường từ sau Tết Nguyên đán. Nhưng đến nay địa phương này phản ứng chậm chạp. Cụ thể, sóng biển làm sụp lở chân cầu vượt phục vụ khách đến tham quan đã hơn 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị nào gia cố, khắc phục.
Trước diễn biến của triều cường dâng cao bất thường trong những ngày qua, tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân sinh sống, sản xuất ven biển cũng như các hộ nuôi tôm, làm muối, trồng lúa chủ động đề phòng, gia cố lại đê bao, ao đầm bảo vệ vụ mùa; đặc biệt đối với diện tích trồng màu ven biển, vùng ngọt phía Bắc quốc lộ 1A thường xuyên theo dõi, kịp thời đóng, đắp cống, đập tránh để xảy ra mặn xâm nhập vào nội đồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại diện tích sản xuất.
* So cùng thời điểm này của năm 2010, tổng diện tích lúa của Bến Tre giảm hơn 2.500 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm. Nguyên nhân là do xâm mặn, thiếu nước ngọt nên người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng mía, trồng dừa và một số loại hoa màu khác. Theo ông Trương Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Giồng Trôm, hiện nay người dân trong huyện đã chuyển hơn 200 ha đất lúa sang trồng dừa, loại cây đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ giá liên tục tăng và đang giữ mức rất cao. Còn ông Huỳnh Văn Cung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú cho biết: Người dân trong huyện đã chuyển khoảng 150 ha đất lúa sang các loại cây trồng khác. Tại huyện Ba Tri, vựa lúa của tỉnh, so với cùng thời điểm này năm ngoái, diện tích lúa giảm hơn 1.500 ha. Theo ông Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện này, diện tích lúa giảm mạnh như vậy chủ yếu do xâm mặn, nên người dân không gieo sạ ở những nơi thiếu nước ngọt. Việc chuyển từ lúa sang các loại cây trồng khác cũng diễn ra trên địa bàn.
Tại hội nghị sơ kết công tác quý I và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Nông nghiệp nắm bắt những khó khăn của nông dân và chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ với UBND tỉnh. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bến Tre trong quý II/2011.
* Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, tại các điểm quan trắc thủy văn trên hai hệ thống sông Tiền và sông Soài Rạp đều ghi nhận độ mặn tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể độ mặn trên sông Tiền đo được tại khu vực xã Hòa Định (Chợ Gạo) 3,5 g/l, cao hơn cùng kỳ năm trước 0,7 g/l; tại bến đò Xuân Đông (xã Xuân Đông, Chợ Gạo) độ mặn đo được 6,9 g/l, cao hơn cùng kỳ năm trước 3,1 g/l. Trên hệ sông Soài Rạp, tại cống Gia Thuận (xã Gia Thuận, Gò Công Đông), độ mặn đo được 24,9 g/l, cao hơn cùng kỳ 3,7 g/l còn tại cống số 3 (xã Đồng Sơn, Gò Công Tây) độ mặn đo được 7,1 g/l, cao hơn cùng kỳ 2,4 g/l.
Hiện tại, hai cống lấy nước đầu mối trong Dự án ngọt hóa Gò Công là Xuân Hòa (Chợ Gạo) và Vàm Giồng (Gò Công Tây) đã đóng ngăn mặn triệt để cho toàn dự án. Hệ thống cống trong Dự án ngọt hóa Phú Thạnh – Phú Đông (Tân Phú Đông) cũng đã đóng toàn bộ để ngăn mặn bảo vệ sản xuất và đời sống. Đáng mừng là rút kinh nghiệm đối phó với hạn, mặn trong thời gian qua, các giải pháp phòng chống tích cực tỉnh Tiền Giang triển khai ngay từ đầu mùa khô đã tỏ ra phát huy tốt hiệu quả. Trong vụ đông xuân 2010 – 2011, toàn tỉnh xuống giống được trên 80.500 ha, đã thu hoạch được gần 41.000 ha. Diện tích còn lại đang vào giai đoạn thu hoạch rộ trong đó có trên 500 ha nội đồng Dự án ngọt hóa Gò Công tuy còn xử dụng nước nhưng do mực nước tích trữ trên hệ kênh rạch còn cao nên vẫn bảo đảm bơm tưới, chưa có trường hợp nào bị thiệt hại do hạn, mặn như mùa khô năm trước.
Huỳnh Sử, Hưng Thịnh, Minh Trí