In bài viết

Bác sĩ có phải thực hành lại nếu có thời gian bị gián đoạn?

(Chinhphu.vn) – Bà Võ Thị Hiền làm việc tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận từ ngày 1/1/2017 đến ngày 1/7/2018; làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TPHCM) từ ngày 1/8/2018 đến ngày 9/9/2019.

30/09/2019 11:20

Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận chỉ cấp giấy xác nhận làm việc, không phải giấy xác nhận thực hành và bà bị gián đoạn thời gian làm việc (ngày 1/7/2018 đến ngày 1/8/2018). Bà Hiền hỏi, vậy bà có được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về nội khoa không?

Về vấn đề này, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận trả lời như sau:

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thông tư số 41/2015/TT-BYT ngày 16/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề phải bảo đảm các điều kiện sau:

Xác nhận về thời gian thực hành

Theo quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, người có văn bằng chuyên môn y, trước khi cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian thực hành. Đối với bác sĩ phải có 18 tháng thực hành tại Bệnh viện hoặc Viện nghiên cứu có giường bệnh.

Tiết a, Khoản 1, Điều 16 Thông tư số 41/2011/TT-BYT quy định, bác sĩ nếu có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất 18 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng sau đó đã không tiếp tục thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 2 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề thì không phải thực hành lại nếu có giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

Trường hợp không có giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì phải thực hành theo quy định tại Khoản 1, Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Thành phần hồ sơ

Điều 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề gồm:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 01 Phụ lục 1 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.

- Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục 1 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.

- Sơ yếu lý lịch tự thuật theo Mẫu 03 Phụ lục 1 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.

- Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn.

- Giấy khám sức khỏe.

- Phiếu lý lịch tư pháp.

- 2 ảnh màu 04x06 cm được chụp trên nền trắng trong vòng 6 tháng.

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh

Khoản 2, Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Điểm b, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định, Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý (trừ những trường hợp sau: (1) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; (2) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các Bộ khác; (3) Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam).

Khoản 3, Điều 9 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định, trường hợp người hành nghề không làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thì nộp hồ sơ về Sở Y tế, nơi đăng ký thường trú để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, đối với trường hợp bà Võ Thị Hiền cần rà soát lại việc bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định như trên để hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định.

Chinhphu.vn