BS trẻ Nguyễn Thị Thu đang thăm khám cho bệnh nhân tại BVĐK huyện Hà Quảng. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Sau hơn 7 tháng công tác, các bác sĩ trẻ đã bước đầu tạo dựng niềm tin và từng bước góp phần tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe của những người dân nơi đây.
Tín hiệu tích cực
Tháng 1/2018, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa I tại trường Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Nội khoa, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Thu lên nhận công tác tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hà Quảng, Cao Bằng, bắt đầu “một hành trình” hoàn toàn mới.
BS Mã Văn Quý, Giám đốc BVĐK huyện Hà Quảng chia sẻ, từ ngày về công tác, cùng với các bác sĩ của bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Thị Thu đã thực hiện được 43 kỹ thuật chuyên môn của tuyến huyện, trong đó chuyển giao cho các bác sĩ của bệnh viện 10 kỹ thuật như khám, chẩn đoán và điều trị hen phế quản, bệnh phù phổi cấp, bệnh suy tim, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường, bướu cổ, cường giáp, thalasemia…
Số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại bệnh viện đã tăng từ 104 người (6 tháng đầu 2017) lên 343 người trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cả năm 2017 có 5.534 lượt người, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, bệnh nhân đã thực hiện điều trị nội trú cho 5.062 lượt người.
Bác sĩ trẻ Dương Mạnh Huy được tuyển dụng vào BV Phụ sản Trung ương và được đào tạo chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội, cũng lên nhận nhiệm vụ tại BVĐK huyện Bảo Lạc, Cao Bằng vào tháng 1/2018. Sau 7 tháng công tác tại đây, bác sĩ Huy đã thực hiện được 72 kỹ thuật chuyên môn, trong đó chuyển giao cho BVĐK huyện Bảo Lạc 6 kỹ thuật như hút buồng tử cung dưới siêu âm; nạo, hút sót rau dưới siêu âm; đẻ chỉ huy bằng truyền xoytocin, đặt bóng cầm máu trong chửa vết mổ…
Trong quá trình công tác, bác sĩ Huy chia sẻ, có bệnh nhân19 tuổi thử thai 2 lần đều âm tính. Nhưng sau khi viện siêu âm do đau bụng hạ vị lệch phải thì phát hiện song thai 8 tuần. Tuy nhiên, khi dùng các loại thuốc giãn cơ, giảm đau cho bệnh nhân đều không có tác dụng. Xét nghiệm bạch cầu tăng. Sau khi siêu âm, bác sĩ Huy chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn phần phụ phải tuy nhiên, hướng xử trí lúc đó rất khó khăn, “nếu mổ ở viện thì không có các loại thuốc giảm co, thuốc giữ thai dùng trong phẫu thuật, còn nếu chuyển lên BV tỉnh, thời gian hơn 4 tiếng, nguy cơ xoắn phần phụ lâu sẽ ko giữ được buồng trứng, vòi tử cung”.
Do bệnh nhân đau tăng lên, nên kíp trực đã hội chẩn và quyết định mổ nội soi, phát hiện bệnh nhân bị u buồng trứng phải, xoắn 3 vòng. Rất may là tháo xoắn đợi 10 phút thì buồng trứng và vòi trứng hồng trở lại. Điều đặc biệt là sau khi theo dõi sát việc dùng thuốc giữ thai liều cao, bệnh nhân đã giữ được song thai.
BVĐK huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh: VGP/Mạnh Huy |
Một ca bệnh khác cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong thời gian công tác nơi vùng cao của bác sĩ Huy. Bệnh nhân bị chấn thương gan và vỡ lá lách do đi chăn bò bị bò kéo ngã, nhưng 3 ngày sau, khi thấy dấu hiệu đau gia tăng, bệnh nhân mới vào viện khám. Sau khi siêu âm, bác sĩ Huy phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân chảy máu rất nhiều. Ngay lập tức, bác sĩ Huy cho đặt đường truyền và gọi điện mời kíp mổ hội chẩn mổ cấp cứu. Khoảng 30 phút sau đó, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ. Kíp mổ đã cắt phần lá lách bị rách và đốt điện vết cầm máu tại gan. Tổng số máu hút ra trong bụng bệnh nhân khoảng 3 lít. Ca mổ kéo dài gần 3 tiếng và sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện.
Được cứu sống trong gang tấc, sau khi ra viện, bệnh nhân đã quay trở lại cảm ơn các bác sĩ của BVĐK huyện Bảo Lạc cùng với những trái thơm quả ngọt của vùng núi rừng. Trải nghiệm đẹp này được ghi sâu trong tâm trí Huy – một bác sĩ trẻ lần đầu tiên về công tác vùng khó khăn, với niềm vui khôn xiết.
Ông Lục Văn Đại, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đánh giá cao những cố gắng của các bác sĩ trẻ về công tác tại 2 huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng là Hà Quảng và Bảo Lạc. Mặc dù bất đồng về ngôn ngữ, trình độ người dân còn hạn chế, thậm chí có người còn không có cơm ăn khi đi chữa bệnh, thường xuyên bỏ điều trị hoặc từ chối điều trị, nhưng từ khi tiếp nhận 2 bác sĩ trẻ, cùng với sự cố gắng của các bác sĩ, BVĐK huyện Hà Quảng, huyện Bảo Lạc đang từng bước tạo dựng niềm tin nơi người bệnh.
Bác sĩ trẻ Dương Mạnh Huy thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại BVĐK huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Vẫn thiếu nhiều bác sĩ cho vùng khó khăn
Trong chuyến khảo sát về thực trạng và nhu cầu đào tạo bác sĩ theo Dự án 585 mới đây của Bộ Y tế tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, Dự án đưa bác sĩ trẻ về các cơ sở y tế vùng khó khăn là cần thiết, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương. Theo tiêu chí của Dự án này, tỉnh Lạng Sơn đang có 2 bác sĩ “tại chỗ” đăng ký hồ sơ dự xét tuyển bác sĩ chuyên khoa I. Tuy nhiên, do vẫn còn thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao, nên lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Y tế nới rộng tiêu chí tuyển chọn bác sĩ, mở rộng vùng tuyển chọn bác sĩ được tham gia đào tạo theo Dự án.
Ông Lục Văn Đại cũng cho biết, theo tiêu chí của Dự án, ngoài 2 bác sĩ trẻ tình nguyện lên công tác tại vùng khó khăn, tỉnh Cao Bằng còn có 15 bác sĩ “tại chỗ” – đây là các bác sĩ công tác tại vùng khó khăn đang được đào tạo chuyên khoa I theo Dự án tại trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược Hải Phòng. Số bác sĩ này vẫn còn rất ít so với nhu cầu tại 7 huyện nghèo của tỉnh.
Để tạo dựng niềm tin bền vững nơi người bệnh, các bệnh viện cần phải có bác sĩ giỏi, do đó lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Y tế, đưa thêm bác sĩ chuyên tu tại các bệnh viện tham gia Dự án, vì theo tiêu chí của Dự án là phải bác sĩ chính quy mới được đào tạo, nhưng thực tế hiện nay, số lượng bác sĩ chính quy về các bệnh viện huyện còn hạn chế.
TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, theo khảo sát nhu cầu, 62 huyện nghèo trên cả nước cần khoảng 600 bác sĩ, thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất gồm: Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy, Bộ Y tế đã triển khai dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, nhằm tiến tới bảo đảm số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương.
Theo mục tiêu của Dự án 585, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các vùng khó khăn trên cả nước. Các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I thuộc 10 chuyên ngành: nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Sau khi tốt nghiệp các bác sĩ này công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký. Hết thời gian này, họ sẽ trở về làm việc tại các bệnh viện nơi họ đã được tuyển dụng trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ phải cam kết công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện đó.
Lãnh đạo Bộ Y tế kỳ vọng, hiệu quả của Đề án sẽ góp phần tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết và góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.
Thúy Hà