In bài viết

Bài 1: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Đấu tranh càng mạnh mẽ, bảo vệ càng hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có quan hệ biện chứng với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đấu tranh càng mạnh mẽ, việc bảo vệ càng hiệu quả.

06/08/2022 07:47
Đấu tranh càng mạnh mẽ, bảo vệ càng hiệu quả - Ảnh 1.

Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta

Đảng ta luôn khẳng định: "Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng". Thực tiễn quá trình lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua đã chứng minh, nhờ có chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc và đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo nghĩa thông thường, nền tảng là bộ phận vững chắc, cốt lõi mà các bộ phận khác dựa trên đó tồn tại và phát triển. 

Nền tảng được chia thành nhiều loại khác nhau như nền tảng vật chất, nền tảng tinh thần. Trong đó, nền tảng tư tưởng là phạm trù thuộc tinh thần, nó không phải cái có sẵn mà xuất hiện trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người. Vì thực tiễn luôn thay đổi nên nền tảng tư tưởng không phải là bất biến mà luôn đòi hỏi sự bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn.

"Mạch sống", "linh hồn" cho đường lối của Đảng

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định, chủ nghĩa Marx-Lenin "là cốt", "là gốc". Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy". Người còn khẳng định "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin".

Tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh: "Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Tháng 6/1991, Đại hội lần thứ VII của Đảng bổ sung luận điểm: "Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh" và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 91), khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Đến năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam".

Việc khẳng định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và kiên định thực hiện. Đây là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng; bảo đảm cho sự tự chủ, độc lập, sáng tạo, là "mạch sống", "linh hồn" cho đường lối đổi mới của Đảng, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam giành mọi thắng lợi.

Những quan điểm lý luận này trở thành cốt lõi, nền tảng để dựa trên đó, những bộ phận khác của Đảng như cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm… được hình thành, phát triển và có tác dụng trực tiếp nâng cao trình độ nhận thức, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bảo vệ là cơ bản, đấu tranh là quan trọng

Gần đây, khái niệm "nền tảng tư tưởng" còn được hiểu rộng hơn, bao hàm cả các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về các vấn đề chiến lược của đất nước (như về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về đường lối phát triển kinh tế-xã hội, về an ninh-quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc).

Xuyên suốt hơn 90 năm hình thành và phát triển, quá trình xây dựng nền tảng tư tưởng luôn song hành với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo nghĩa thông thường, bảo vệ là chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm để giữ cho được sự nguyên vẹn. Như vậy có thể hiểu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo, có kế hoạch của các cấp ủy Đảng cùng các tổ chức, các lực lượng và toàn xã hội tham gia đấu tranh chống lại mọi sự phủ nhận, xuyên tạc, bảo vệ sự đúng đắn, tầm vóc, bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng của Đảng thấm sâu vào đời sống chính trị, tinh thần của xã hội.

Theo nghĩa rộng hơn, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (22/10/2018) "về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" xác định "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân; bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển".

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có quan hệ biện chứng với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bảo vệ đã bao hàm đấu tranh và trong đấu tranh phản bác đã hàm chứa yếu tố bảo vệ. Mục đích đấu tranh phản bác cũng chính là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ là cơ bản, đấu tranh là quan trọng, cấp bách, thường xuyên; đấu tranh càng mạnh mẽ thì bảo vệ càng hiệu quả.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, trước mắt, vừa cơ bản, thường xuyên, lâu dài. Đây là nội dung cơ bản của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, là nhiệm vụ sống còn, quyết định sự thành công của cách mạng nước ta, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, trong đó các cơ quan tuyên giáo các cấp là nòng cốt.

Xuân Anh

Bài 2: Bảo vệ nền tảng tư tưởng, tạo 'sức đề kháng' trước những thủ đoạn chống phá