In bài viết

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Bài 1: Khởi đầu cuộc cách mạng mới trong sản xuất

(Chinhphu.vn) - Với những kết quả bước đầu tích cực, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được các chuyên gia nhìn nhận sẽ khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

19/10/2024 00:00
Bài 1: Khởi đầu cuộc cách mạng mới trong sản xuất- Ảnh 1.

Cánh đồng thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: VGP/Hà Duyên

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023, được kỳ vọng sẽ khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới; góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Qua đó, giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đến nay, qua sơ kết bước đầu, các mô hình thí điểm ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều đã đạt những mục tiêu đề ra.

Nông dân vui mừng

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ là HTX đầu tiên của thành phố, tham gia mô hình thí điểm do Bộ NN&PTNT triển khai vào tháng 4 năm nay. Trên diện tích 50 ha, các thành viên của HTX đã tuân thủ theo quy trình canh tác như: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ và đưa quy trình tưới ngập khô xen kẽ vào sản xuất, điều này đã mang lại kết quả bất ngờ sau khi thu hoạch lúa.

Ông Phạm Đình Tiễu, thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận cho biết, kết thúc vụ lúa hè thu, trên 1 ha, năng suất lúa đạt từ 6,4-6,6 tấn, cao hơn bên ngoài khoảng 0,7 tấn/ha. Chi phí đầu vào tính riêng vật tư nông nghiệp đã giảm khoảng 4,6 triệu đồng/ha. “Trên mỗi ha, sau khi áp dụng lượng giống gieo sạ 60 kg, tôi đã giảm được 1-1,2 triệu đồng. Phân bón cũng tiết kiệm gần 2 triệu đồng, khi giảm tới 30-40% lượng bón. Thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm 2 lần, tương đương khoảng 1,6 triệu đồng. Chính vì giá thành thấp nên lợi nhuận thu lại trên 1 ha cũng cao hơn 8 triệu đồng so với trước kia, từ 22 triệu đồng lên 30 triệu đồng”, ông Tiễu tính toán.

Với những kết quả khả quan của vụ Hè Thu 2024 vừa qua, các thành viên trong HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận dự định sẽ đăng ký thêm 50 ha nữa, sản xuất theo mô hình Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vào vụ đông xuân 2024-2025. “Những hộ dân có diện tích liền kề ở xung quanh đã tìm đến HTX để đăng ký tham gia sản xuất lúa chất lượng cao. Đây là một tín hiệu vui đối với HTX chúng tôi. Vì đây sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình lên toàn bộ gần 500 ha của HTX”, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận nói.

Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, năng suất lúa bình quân trên 1 ha của các mô hình thí điểm ở vụ hè-thu cao hơn bên ngoài từ 8-10%, giá bán lúa cũng hơn 300 đồng/kg. Nông dân lãi từ 3-5 triệu đồng/ha, cao hơn trước kia 10-15%. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay số diện tích tham gia đăng ký ngày một tăng, sau khi được “mắt thấy, tai nghe” về những hiệu quả mà mô hình thí điểm mang lại. Trong vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 210 ha sản xuất lúa theo đề án này. Dự kiến những vụ tiếp theo, sẽ tiếp tục nhân rộng lên phạm vị toàn thành phố.

Tại các địa phương không tham gia mô hình thí điểm do Bộ NN&PTNT triển khai hiện cũng đã chủ động xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Với vụ lúa thu đông đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, 1 ha trồng lúa theo đề án của gia đình ông La Văn Hành ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, dự kiến sẽ thu về 7-7,5 tấn, cao hơn so với các năm trước từ 10-15%, ngoài sự mong đợi của ông trong suốt nhiều năm gắn bó với cây lúa. Ông Hành tâm sự: “Trồng lúa theo mô hình này, năng suất cao hơn từ 500 kg-1 tấn/ha so với lối canh tác truyền thống. Đặc biệt là không phải lo đầu ra vì đã có HTX bao tiêu, với giá cũng cao hơn bên ngoài khoảng 300 đồng/kg. Một mô hình mà chi phí đầu vào giảm, sản phẩm đầu ra tốt, nông dân như chúng tôi cảm thấy rất vui mừng”.

Bài 1: Khởi đầu cuộc cách mạng mới trong sản xuất- Ảnh 2.

Tại các địa phương không tham gia mô hình thí điểm do Bộ NN&PTNT triển khai hiện cũng đã chủ động xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp - Ảnh: VGP/Hà Duyên

Khởi đầu cuộc cách mạng mới trong sản xuất

Báo cáo sơ kết từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, vụ hè thu và thu đông vừa qua có 5 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia mô hình thí điểm, gồm: Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang. Bước đầu các mô hình đều cơ bản đạt được tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Tại 7 mô hình thí điểm với 186 ha đã cho năng suất trên 64 tạ/ha, cao hơn bên ngoài 4,6 tạ/ha. Lượng giống gieo sạ giảm đến 40%, lượng phân bón cũng giảm từ 30-40% và tiết kiệm được 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận của nông dân theo đó cao hơn mô hình bên ngoài từ 3,9-7,3 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, các mô hình thực tế đã chứng minh, khi nông dân áp dụng biện pháp canh tác tưới ngập khô xen kẽ đã giúp giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha so với việc để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 2 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình để nước ngập liên tục và mang rơm ra khỏi đồng. Rõ ràng, đề án này bước đầu đã hoàn thành được 2 mục tiêu đặt ra là tăng lợi nhuận và giảm phát thải.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận thức của người dân có chuyển biến trong việc thực hiện quy trình canh tác lúa theo Đề án, đây sẽ là bước ngoặt trong chuyển đổi tư duy sang phương thức sản xuất lúa mới có hiệu quả, có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường.

Cũng theo Cục Trồng trọt, hiện nay, 12 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký tham gia đề án này. Các địa phương đều muốn tăng diện tích sản xuất vào vụ đông xuân tới, từ 186 ha sẽ tăng lên 3.300 ha. Nếu các tỉnh đẩy nhanh tốc độ, thực hiện theo đúng đăng ký ban đầu từ vụ đông xuân 2024-2025, thì dự kiến đến cuối năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 180.000 ha áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải.

“Một trong những mục tiêu của Đề án là nhằm giảm chi phí đầu vào khoảng 20%, tương đương 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá bán lúa có thể tăng thêm khoảng 10%, thu về khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy, với 2 yếu tố trên, ngành lúa sẽ có thêm 16.500 tỷ đồng/năm”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Các nhà chuyên môn cũng cho rằng, Đề án không chỉ giúp gia tăng được giá trị hạt gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người trồng lúa, mà còn tạo cho người nông dân ý thức bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới nhấn mạnh rằng, kết quả vụ vừa qua của những mô hình trên chính là cơ sở để ngành nông nghiệp các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể nhân rộng trên toàn bộ diện tích trong tương lai gần, không chỉ dừng lại ở 1 triệu ha lúa. Và đề án này cũng chính là bước khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất, khi hạt gạo làm ra chứng minh được sự minh bạch, tính trách nhiệm.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, Đề án đã tạo ra bước ngoặt lớn để Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng thành công chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vào năm 2030. Qua đó, khẳng định giá trị và thương hiệu của hạt gạo Việt trên trường quốc tế, khi cung cấp cho người tiêu dùng trên khắp thế giới những hạt gạo chất lượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, giảm phát thải thấp từ các nước nhập khẩu.

Hà Duyên