Những năm gần đây, nhất là trong thời gian phải thích ứng với dịch COVID-19, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng ở Việt Nam. Đây là phương thức kinh doanh còn khá mới nhưng nhiều tiềm năng trong tương lai, mang lại lợi ích cho cả DN, người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, xu hướng phát triển TMĐT sẽ có sự chuyển dịch doanh thu nhiều hơn đến từ các giao dịch giữa DN đến người tiêu dùng (B2C), và giữa các cá nhân với nhau (C2C). Hiện nay, nhiều DN sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hoá. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều cá nhân cũng sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng. Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới hết sức đa dạng nêu trên của TMĐT đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.
Cổng TTĐT Chính phủ thực hiện loạt bài về thuế TMĐT để làm rõ những nội dung này.
Số thất thu còn lớn
Những năm gần đây, chính sách thuế về TMĐT đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 29/6/2022), tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Từ 2018 đến nay, năm 2021 là năm có số thu lớn nhất với 1.591 tỷ đồng (năm 2018 là 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.167 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 số thu đạt gần 760 tỷ đồng).
Tuy nhiên hiện nay, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Mới đây, trao đổi tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn thừa nhận thực tế "chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn TMĐT và kinh doanh công nghệ".
Theo các chuyên gia, việc phát hiện các trường hợp có hoạt động TMĐT để truy thu thuế mới chỉ chủ yếu tập trung vào rà soát các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua các trang web và trên một số nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube, Zalo…
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý thuế vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực TMĐT. Việc kiểm soát hiệu quả đối với các hình thức hoạt động TMĐT khác như quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay, giao dịch qua hệ thống hai đầu P2P (giữa khách hàng với khách hàng), các phần mềm nói chuyện qua mạng như Zalo, Skype… vẫn chưa thực hiện được.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện các tập đoàn công nghệ như YouTube, Google, Microsoft... đã đăng ký nộp thuế đầy đủ. Nhưng đối với các mặt hàng bán lẻ qua Zalo, Facebook thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt thì việc quản lý là thách thức và đang là một khoản thất thu rất lớn.
Theo Tổng cục Thuế, hiện nay, cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh TMĐT, đó là hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và TMĐT xuyên biên giới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn TMĐT xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn TMĐT khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực, TMĐT xuyên biên giới càng phát triển mạnh. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi với rất nhiều giao dịch, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua TMĐT. Điều này cũng cho thấy tiềm năng tăng thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này của Việt Nam còn rất lớn.
Tính đến tháng 6/2021, chỉ riêng qua mạng xã hội Facebook, Việt Nam đã có gần 76 triệu người dùng. Từ năm 2019 đến tháng 6/2021, hoạt động mua bán trực tuyến trên nền tảng này tăng vọt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn sử dụng các sàn TMĐT nước ngoài để mua sắm hàng hóa. Ở chiều ngược lại, các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài cũng thông qua các nền tảng kể trên để mua sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, doanh thu TMĐT Việt Nam ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Như vậy, nếu căn cứ vào doanh thu hoạt động, có thể thấy đây là con số không nhỏ, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể nếu chính sách thuế trong lĩnh vực TMĐT được hoàn thiện phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho rằng chính sách thuế trong lĩnh vực TMĐT được áp dụng nhằm bảo đảm sự công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ trong lĩnh vực TMĐT và lĩnh vực thương mại truyền thống.
Các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đều nhận định chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định với đặc trưng nền kinh tế số, TMĐT phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn TMĐT gồm cả trong và ngoài nước nên việc truy địa chỉ để thu thuế không dễ.
"Việc thu thuế trên sàn TMĐT, các nền tảng số như Zalo hay thanh toán nhận hàng trả tiền (hình thức COD) là vấn đề mới, khó và hiện thất thu thuế lớn do các máy chủ đặt ở nước ngoài", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thực tế, một nguyên nhân nữa là các DN trong lĩnh vực TMĐT có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh. Có không ít tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay các DN, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó kiểm soát. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành thuế đã phát hiện nhiều cá nhân phải nộp thuế có thu nhập nhận được từ các mạng xã hội Facebook, Google… Chẳng hạn tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ đồng. Còn tại TPHCM cũng phát hiện một cá nhân kênh YouTube có thu nhập 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 - 2017.
Một khó khăn nữa là trong nước, hiện nay phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT với các giao dịch diễn ra quá nhiều và mang tính nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh do hoạt động mua, bán diễn ra liên tục 24/7.
Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, DN nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập DN. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng Internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh. Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn về cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam.
Đó là chưa kể đến chiêu thức, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn, nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.
"Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động TMĐT chưa hoàn thiện, quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết thêm trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhận kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng bởi với sự phát triển của kinh tế số, những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: Thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử...
Anh Minh