Bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới và nhất là từ sự điên cuồng chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động luôn xác định chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là một "mũi đột phá", là "vũ khí lợi hại" của chúng trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam.
Chúng tấn công trực diện cả về lý luận và thực tiễn, đánh vào cơ sở của sự ra đời đến quá trình vận động, phát triển của chủ nghĩa Marx-Lenin và việc vận dụng trong thực tiễn; xuyên tạc, phủ nhận, đòi loại bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng công kích toàn bộ nội dung, các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, triệt để tận dụng một số vấn đề trong quá khứ có những lúc chúng ta hiểu chưa đúng, vận dụng chưa tốt để chống phá.
Chúng tập trung vào những luận điểm, những nguyên tắc lý luận cơ bản, then chốt như phép biện chứng duy vật; học thuyết hình thái kinh tế-xã hội; học thuyết giá trị thặng dư; học thuyết giai cấp, đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội v.v.
Với chủ nghĩa Marx-Lenin, chúng đưa ra cách "lập luận" kiểu "logic hình thức", rằng "bản chất thời đại đã thay đổi nên đường lối của Đảng phải thay đổi theo"; "chủ nghĩa Marx ra đời cách đây đã hơn 150 năm, Đảng không thể cứ khư khư giữ lấy "cái học thuyết đã lỗi thời đó". Có kẻ còn cho rằng nếu chỉ nhấn mạnh "kiên định", "kiên trì" sẽ coi nhẹ đổi mới. "Phải làm một cuộc chiến lớn "tự giải phóng" để thoát ra khỏi những khuôn khổ tư tưởng và cơ chế do chính chúng ta lập nên nhưng nay đã quá chật hẹp"; rằng việc kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin như một cái "thòng lọng ý thức hệ", "các nước theo chủ nghĩa Marx-Lenin đều nghèo đói, chậm phát triển" và đó là "khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản" để rồi từ đó họ "khuyên" chúng ta hãy đi theo con đường khác - con đường tư bản chủ nghĩa.
Cần lưu ý, chúng không chỉ cố luận chứng trên phương diện lý luận mà còn thông qua các hoạt động thực tiễn, lấy sự đổ vỡ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu để luận giải tính không hợp lý của chế độ xã hội chủ nghĩa cũng như hướng vào phủ định chủ nghĩa Marx-Lenin.
Về thủ đoạn chống phá, chúng chuyển từ bôi nhọ bằng luận điệu "du nhập ngoại lai", "nhập khẩu lý luận" sang đánh tráo, thay thế các khái niệm, thổi phồng cái gọi là "chủ thuyết phát triển mới", đối lập chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa Lenin, kêu gọi dùng "chủ nghĩa Hồ Chí Minh" để thay thế chủ nghĩa Marx-Lenin. Chúng trích dẫn một cách cắt xén lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đan cài gài bẫy bằng những quan điểm giả danh chủ nghĩa Marx, làm cho người đọc không phân biệt được đúng-sai, lẫn lộn, mất phương hướng.
Vấn đề đặt ra là tại sao các thế lực thù địch thường tập trung chĩa mũi nhọn vào chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng?
Có thể thấy, chống phá là bản chất, đã trở thành thuộc tính cố hữu của chúng. Khi ta làm chưa tốt chúng sẽ săm soi, quy chụp, tận dụng triệt để điều này để chống phá. Chúng ta làm tốt rồi chúng vẫn sẽ chống phá. Sự chống phá đó càng được đẩy lên trong những dịp chúng ta tổ chức các sự kiện chính trị lớn, nhất là trước thềm Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội... Chúng chống phá trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị, tư tưởng, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhưng vẫn tập trung chống phá về nền tảng tư tưởng bởi chúng cho đó là những vấn đề căn cốt.
Chúng ta đều đã biết lý luận Marx-Lenin chỉ ra xu hướng vận động khách quan của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, vạch ra sứ mệnh và cách thức làm triệt tiêu chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò định hướng, dẫn dắt; "Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có la bàn để mà chỉ hướng" (Hồ Chí Minh toàn tập). Rõ ràng, nhờ có lý luận tiền phong "soi đường", con thuyền cách mạng Việt Nam không phải "mò mẫm" trên con đường từ luồng lạch đi ra biển lớn. Nó chính là "kim chỉ nam", là căn cứ, cơ sở căn cốt, là "cẩm nang" bảo đảm cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đạt tới sự đúng đắn, sáng tạo, trở thành "nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".
Về mặt thực tiễn, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh xuyên suốt trong những năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, đập tan xích xiềng nô lệ, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta giữ được đất nước ổn định về chính trị, xã hội; nhân dân ấm no, hạnh phúc, đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Những thành quả đó có được chính là do chúng ta có đường lối đúng đắn, được lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường. Khi mà hệ tư tưởng còn, Đảng còn, chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp vẫn còn thì các ý đồ, mục đích của các thế lực thù địch sẽ không đạt được. Vì vậy, chúng luôn coi lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh như là vật cản phải quyết liệt phá bỏ, là "cái lô cốt", "cửa ải", là "thành trì kiên cố" mà muốn vào được bên trong, việc đầu tiên chúng phải tập trung xuyên tạc, chống phá.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ cần liên tục về thời gian mà còn phải liên tục cả về không gian. Cuộc đấu tranh này không chỉ trên phạm vi quốc gia mà cả trên bình diện quốc tế. Đó là nhiệm vụ được thực hiện xuyên suốt trong hơn 90 năm qua.
Bước vào thời kỳ cách mạng mới hiện nay, để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả, cần phải tập trung thực hiện tốt nhiều nội dung.
Một là, tập trung nghiên cứu làm sâu sắc hơn bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Cần chú ý tới những vấn đề vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng xã hội mới. Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản, những giá trị bền vững, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần phải nhận thức lại, phải bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm sức sống mới cho nền tảng tư tưởng.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ vai trò, vị trí, những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng của Đảng thấm sâu vào đời sống chính trị, tinh thần của xã hội; tuyên truyền rộng rãi, có chiều sâu trong nhân dân, nhất là giới trẻ về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và lịch sử Đảng. Khẳng định vững chắc các quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta, đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó là tăng cường dự báo, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội. Bồi dưỡng nâng cao khả năng tự phòng, chống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo "sức đề kháng" và "khả năng miễn nhiễm" trước các thông tin xấu, độc; xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên không gian mạng.
Ba là, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định. Quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống; chú trọng quản lý về danh tiếng, hình ảnh và quản lý phát ngôn.
Bốn là, đẩy mạnh quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, nhất là trên không gian mạng. Tổ chức các trang mạng, các kênh truyền thông lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, những cách làm hay, điển hình tiên tiến để "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; mở rộng thêm những trang, nhóm trực diện đấu tranh phản bác có lập luận sắc bén, "chắc tay", nhân văn; từng bước giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công trong đấu tranh phản bác. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về quản lý các hoạt động trên không gian mạng, tạo sự cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm các vi phạm.
Năm là, đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức đấu tranh với nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu để định hình, thiết lập hệ thống luận cứ, luận điểm đấu tranh phản bác; chú ý nhận diện những vấn đề mới, những âm mưu thủ đoạn các thế lực thù địch thường tập trung chống phá để xây dựng luận cứ khoa học thuyết phục.
Trong tổ chức đấu tranh, thực hiện tốt 7 nguyên tắc kết hợp. Đó là kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính; giữa phòng và chống, lấy phòng là chính; kết hợp giữa sâu và rộng; giữa lực lượng bên trong và lực lượng bên ngoài; giữa biện pháp đấu tranh truyền thống và hiện đại; giữa gặp gỡ đối thoại và đấu tranh phản bác; giữa đấu tranh công khai và ẩn danh. Cần tập trung vào trọng điểm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường mạng. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng, đấu tranh trực diện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo kịch bản chặt chẽ. Tổ chức chiến dịch truyền thông rộng rãi, thống nhất, đa dạng, có sự phối hợp đồng bộ để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa.
Chăm lo phát triển lực lượng trực tiếp đấu tranh; tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ. Tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm điều kiện làm việc để người tài chuyên tâm, nỗ lực đóng góp vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sáu là, tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận "gốc" nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn các trang mạng độc hại.
Bảy là, làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, những điển hình tiên tiến trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chia sẻ kinh nghiệm, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Xuân Anh