In bài viết

Bài 2: Bước tiến đầu tiên và thách thức cần vượt qua để tận dụng dư địa

(Chinhphu.vn) - Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế dù có tiến bộ nhưng vẫn gặp nhiều thách thức, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn TMĐT gồm cả trong và ngoài nước nên việc truy địa chỉ để thu thuế không đơn giản. Cơ quan quản lý cần chuyển biến mạnh mẽ hơn để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nóng lĩnh vực này ở Việt Nam.

30/06/2022 16:55
Bài 2: Bước tiến đầu tiên và thách thức cần vượt qua để tận dụng dư địa - Ảnh 1.

TMĐT phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức

Ngành thuế vào cuộc tích cực, số thu tăng mạnh

Để tăng cường hiệu quả thu thuế với lĩnh vực TMĐT, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án "Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT". Theo đó, để xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ Tài chính đã triển khai sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật thuế về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Luật Quản lý thuế.

Bộ Tài chính cũng đã khai trương Cổng thông tin điện tử (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế cùng với việc tăng cường hiệu quả thanh tra...

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Kể từ khi Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được khai trương, đã có nhiều NCCNN lớn đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giá trị gia tăng (VAT) trực tiếp qua Cổng điển hình như Facebook (Meta), Microsoft, Tiktok, Netflix. Số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên Cổng tại kỳ kê khai quý I/2022: Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, Tiktok đã nộp 34,5 tỷ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỷ đồng và Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý II/2022. 

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, lũy kế từ 2018 đến hết tháng 5/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng (5 tháng đầu năm 2022 đạt 220 tỷ đồng). Trong đó có một số Cục Thuế có số thu lớn như: Cục Thuế Hà Nội với số thu khoảng 358 tỷ đồng, Cục Thuế TPHCM khoảng 146 tỷ đồng, Cục Thuế Đà Nẵng khoảng 67 tỷ đồng.

Một số trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập cao, qua công tác tuyên truyền hỗ trợ của cơ quan thuế đã tự giác kê khai nộp thuế bổ sung như: 1 cá nhân tại TPHCM đã kê khai thu nhập phát sinh năm 2020, 2021 từ hoạt động sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo trên Google là 434 tỷ đồng và phải nộp tiền thuế lên đến 30,3 tỷ đồng (chưa tính tiền chậm nộp và tiền phạt); 1 cá nhân khác tại TPHCM cũng phát sinh thu nhập từ Google trong năm 2020, 2021 là 227 tỷ đồng với số thuế phải nộp là 15,9 tỷ đồng (chưa tính tiền chậm nộp và tiền phạt); 1 cá nhân tại Hà Nội sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có phát sinh doanh thu hơn 330 tỷ đồng và đã nộp thuế năm 2020 là 23,4 tỷ đồng.

Về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động TMĐT, ngành thuế đã kết thúc kiểm tra 2 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp đã ban hành Quyết định xử lý (tổng số xử lý giảm lỗ, truy thu và xử phạt 64,8 tỷ đồng) và 1 doanh nghiệp đang tổng hợp dữ liệu để ban hành Quyết định xử lý.

Đối với doanh nghiệp là trung gian thanh toán, ngành thuế đã ban hành và tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 3 doanh nghiệp; trong đó, quyết định xử lý truy thu và xử phạt tổng cộng 9,2 tỷ đồng và 1 doanh nghiệp đang tổng hợp dữ liệu để ban hành Quyết định xử lý...

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã có công văn gửi 4 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thu thập cơ sở dữ liệu đấu tranh, khai thác và yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế tại Việt Nam...

Đã tập hợp được bộ cơ sở dữ liệu qua thanh tra, kiểm tra để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Qua kiểm tra 1 sàn giao dịch TMĐT (sàn Tiki), đã rà soát thông tin lựa chọn ra 175 doanh nghiệp kinh doanh có dấu hiệu rủi ro để chỉ đạo 9 Cục Thuế quản lý trực tiếp rà soát, đối chiếu thông tin về doanh thu phát sinh trên sàn TMĐT với doanh thu mà doanh nghiệp đã kê khai thuế để có cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung theo quy định pháp luật, đồng thời thực hiện các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Tiến tới yêu cầu các sàn TMĐT kết nối, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện cơ chế giám sát

Mặc dù đạt được các kết quả ban đầu nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, với đặc trưng nền kinh tế số, TMĐT phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế không đơn giản. Do đó, con số thất thu vẫn không nhỏ và giải bài toán tận dụng dư địa cần có biện pháp hữu hiệu hơn. 

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, doanh thu TMĐT Việt Nam ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể nếu chính sách thuế trong lĩnh vực TMĐT được hoàn thiện phù hợp, cần tận dụng dư địa tăng thu trong lĩnh vực này. Dù mục tiêu là khá rõ ràng, nhưng để triển khai là một vấn đề nan giải khác. Khó khăn xuất phát ngay từ khâu hoàn thiện cơ chế chính sách để quản lý. Ngay trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo) đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt về quy định "sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến: Có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân…"

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phân tích, nhiều sàn TMĐT có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt.

Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực tài chính lớn cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán. Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn TMĐT. Vì vậy yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là chưa phù hợp với bản chất hoạt động của mô hình này đồng thời gây khó khăn rất lớn cho các sàn TMĐT.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng không đồng tình với quan điểm "nhờ"các sàn TMĐT thu thuế, đây không phải thông lệ phổ biến của nhiều nước phát triển. Vị chuyên gia này lý giải, về nguyên tắc hiện nay người kinh doanh đều tự kê khai, tự tính, tự nộp, bảo đảm đủ, đúng hạn...

Các tổ chức sàn TMĐT chỉ là người kinh doanh dịch vụ sàn, nôm na là mở một cái chợ trực tuyến và làm quản lý chợ, tổ chức để mọi người mua bán hoạt động trong khuôn khổ, bảo đảm giao dịch hàng hóa minh bạch, hiệu quả.

"Các chủ thể tham gia phải có đăng ký, có mã số thuế, tài khoản ngân hàng, có chứng minh nhân thân, nguồn gốc xuất xứ... từ đó đủ điều kiện mua bán trên thị trường. Còn các "quản lý chợ", các sàn không thể làm thay nhiệm vụ thu thuế. Nếu đẩy cho các sàn nhiệm vụ bắt đi thu hộ cho hàng vạn người mua bán trên đó là khó khả thi", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói. Giải pháp cho vấn đề này, có thể trước mắt cơ quan thuế phối hợp với các sàn TMĐT thực hiện cung cấp thông tin về doanh số người bán hàng. Còn về lâu dài, cần có quy định thanh toán qua sàn bằng phương thức không dùng tiền mặt để chống thất thu thuế.

Đồng thời, mức thuế suất cũng nên thống nhất, thay vì nhiều mức, có thể thực hiện thu thuế phần trăm trên doanh thu phát sinh như một số quốc gia áp dụng.

Theo kinh nghiệm quốc tế, liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên nền tảng TMĐT, ví dụ ở Trung Quốc, điều 28 Luật Thương mại điện tử năm 2018 chỉ quy định trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin nhận dạng (identity information) và thông tin liên quan đến thuế của người bán đến cơ quan thuế. Còn một số nơi khác, chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU), Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Indonesia… đã ban hành quy định yêu cầu nền tảng trung gian có trách nhiệm nộp thay nghĩa vụ thuế GTGT với hàng hóa của người bán nước ngoài. Nghĩa vụ thuế của người bán (trong nước) vẫn được thực hiện theo các quy định trước đó (thường thuộc về trách nhiệm của người bán).

Huy Thắng