In bài viết

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình

Bài 2: Nguy cơ an ninh phi truyền thống đã hiện hữu ở Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống (ANPTT) ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng, an ninh.

13/12/2024 09:25

Thách thức an ninh phi truyền thống từ góc độ doanh nghiệp... 

Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang cung cấp cho thị trường sản lượng 12-14 triệu m3 tấn xăng dầu mỗi năm, trong đó có khoảng 10 triệu m3 tấn bán trên thị trường nội địa với mạng lưới chuỗi giá trị từ khâu tạo nguồn, tồn chứa, vận tải, tới khâu xuất bán, phân bổ rộng khắp trên cả nước... Do đó, những rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp gặp phải hằng ngày là rất lớn, trong đó có những yếu tố ANPTT.

Bài 2: Nguy cơ an ninh phi truyền thống đã hiện hữu ở Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Sự nhận định, có những rủi ro chính ảnh hưởng đến chuỗi giá trị này đều là phi truyền thống. Ví dụ những sự cố, sự biến đổi về nguồn cung như năm 2022 đã xảy ra khi nguồn cung thay đổi, các doanh nghiệp nhập về lỗ không bán nên tất cả dồn vào Petrolimex và doanh nghiệp phải "căng mình" bán vượt sản lượng rất lớn. Nếu không có quản trị rủi ro, quản trị an toàn thì những cửa hàng xăng dầu sẽ trở thành điểm mất trật tự an toàn xã hội.

Trong công tác quản trị thì quản trị rủi ro được Petrolimex đặt lên hàng đầu. Petrolimex nhận thức được rủi ro liên quan đến ANPTT mà xã hội đề cập đến nhiều hiện nay và các doanh nghiệp đã gặp phải là rủi ro về an ninh mạng. Thực tế việc quản trị và điều hành thế giới thực này là từ thế giới ảo (tức là phần mềm), vì vậy doanh nghiệp luôn quan tâm và đánh giá rất cao vai trò, vị thế của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng bên cạnh chuỗi vật lí là dòng chảy xăng dầu từ nguồn nhập đến tồn trữ, đến người tiêu dùng phải xuyên suốt và an ninh mạng cũng luôn phải được bảo đảm an toàn.

... đến thành phố thuộc Trung ương

Theo ông Lưu Văn Vinh, chuyên gia An ninh kinh tế, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an TP. Hải Phòng, chủ đề ANPTT hết sức cần thiết và thiết thực đối với một thành phố cảng đang phát triển như Hải Phòng.

TP. Hải Phòng đã và đang phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt, công suất của cảng Hải Phòng đã vượt 120 triệu tấn hàng qua cảng, hệ thống đường sá, cầu cống, đặc biệt lĩnh vực an ninh đã chuyển biến rất mạnh, là một điểm đến an toàn của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Bài 2: Nguy cơ an ninh phi truyền thống đã hiện hữu ở Việt Nam- Ảnh 2.

Theo ông Lưu Văn Vinh, chuyên gia An ninh kinh tế, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an TP. Hải Phòng

Những thách thức ANPTT của Việt Nam đều xuất hiện tại Hải Phòng, có thể nói, đây là địa phương có những thách thức an ninh phi truyền thống rất điển hình. Qua góc độ nghiên cứu, ông Lưu Văn Vinh nhận diện một số thách thức như về biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu và Hải Phòng cũng hoàn toàn nằm trong bối cảnh đó. Cơn bão YAGI vừa qua xảy ra ở các tỉnh ven biển phía bắc và Hải Phòng cũng là một trọng tâm chịu thiệt hại rất lớn. Chúng ta đã nhận diện và sẽ đúc kết được rất nhiều bài học với thảm họa thiên nhiên qua cơn bão này.

Thách thức thứ hai mà ANPTT đặt ra cho Hải Phòng là vấn đề môi trường. Môi trường của Hải Phòng không chỉ ở trên đất liền mà còn xuất hiện ở cả trên biển, hải đảo, cảng biển. Những vấn đề về an ninh môi trường biển, hải đảo, cảng biển cũng đặt cho thành phố rất nhiều vấn đề cần nhận diện, nghiên cứu và đưa ra giải pháp phòng ngừa, ứng phó. Trên biển, có nhiều vấn đề, như sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, sự cố cháy nổ và các tai nạn hàng hải, nhất là trong bối cảnh giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố rất lớn, đặt cho Hải Phòng nguy cơ, thách thức cần phải nhận biết.

Thứ ba, đối với một thành phố đã và đang rất phát triển như hiện nay thì đó là vấn đề tội phạm, không chỉ là tội phạm truyền thống mà có những tội phạm rất mới như tội phạm quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng đều xuất hiện trên địa bàn TP. Hải Phòng.

"Qua thực tiễn đấu tranh, chúng tôi đã thiết lập rất nhiều chuyên án và phá án thành công với các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, bắt cả đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài và không chỉ trong phạm vi TP. Hải Phòng mà lan ra các địa phương khác như TP. Huế, TPHCM... Chúng ta thấy tính chất đa dạng, phức tạp của lĩnh vực ANPTT trong hoạt động tội phạm cũng rất rõ. Ngoài ra, tội phạm quốc tế, lợi dụng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tổ chức các hành vi tội phạm như trộm cắp điện thoại cước viễn thông, tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia", ông Vinh chia sẻ.

Năm 2019, Công an Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Công an phá chuyên án rất lớn, bắt giữ gần 400 người nước ngoài đánh bạc quốc tế, với số tiền được tính toán khoảng 11.000 tỷ đồng. Đấy cũng là hoạt động rất mới chúng ta cần nhận diện.

Ngoài ra, trong một đô thị phát triển, hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương rất lớn, thì còn xuất hiện tình huống lừa đảo thanh toán quốc tế, tạo ra cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng những thách thức rất lớn, ví dụ như doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu với nước ngoài trị giá 5 triệu USD và bộ chứng từ xuất nhập khẩu hiện nay đều thông qua mạng, tội phạm đã hack dữ liệu của bộ chứng từ đó và lái dòng tiền thanh toán của doanh nghiệp Việt Nam sang một tài khoản khác, sang một quốc gia khác và lúc đó người nhận hàng không nhận được tiền thanh toán từ doanh nghiệp Việt Nam và khởi kiện doanh nghiệp Việt Nam ra các tòa án quốc tế, đây là việc hết sức phức tạp. Những vụ việc đó đã xảy ra tại Hải Phòng, tuy nhiên, điều tra tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao là thách thức rất lớn không chỉ đối với Hải Phòng mà còn đối với cả các địa phương khác trên toàn quốc.

Bài 2: Nguy cơ an ninh phi truyền thống đã hiện hữu ở Việt Nam- Ảnh 3.

An ninh phi truyền thống không chỉ bó hẹp trong bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn bao gồm bảo vệ con người, môi trường sống

Phòng ngừa rủi ro, không để rủi ro đến mới ứng phó

PGS. TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường ĐH Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Đất nước ta có truyền thống trong chủ động phòng ngừa, ứng phó với các mối nguy, rủi ro đe dọa an ninh quốc gia. Chúng ta đã tích hợp chương trình đào tạo liên quốc phòng vào các cấp giáo dục, từ thấp đến cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong đó chắc chắn có năng lực quản trị ANPTT cũng như an ninh truyền thống, hai lĩnh vực của an ninh quốc gia.

Bài 2: Nguy cơ an ninh phi truyền thống đã hiện hữu ở Việt Nam- Ảnh 4.

PGS. TS Hoàng Đình Phi

PGS. TS Hoàng Đình Phi nhấn mạnh, cách mạng thành công không thể thiếu lực lượng, nhất là những người được học tập bài bản, có đạo đức, có phẩm chất, có quyết tâm bảo vệ con người, bảo vệ quốc gia. "Chúng ta phải đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương thấm nhuần nghị quyết, quan điểm của Đảng về ANPTT và đặc biệt là phải học kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia, tham mưu, chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, phòng ngừa rủi ro, không để rủi ro đến chúng ta mới ứng phó", Hiệu trưởng Trường ĐH Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến.

Đại tá, TS. Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết thời gian qua, đã xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ an ninh tiềm ẩn.

Những vấn đề này không chỉ đòi hỏi nhận diện kịp thời mà còn yêu cầu hành động quyết liệt để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an ninh lâu dài.

Tuyên Quang đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền từ cấp ủy, chính quyền đến các địa phương và người dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các nguy cơ, điều kiện và rủi ro mà chúng ta có thể phải đối mặt. Thông qua các hoạt động này, mọi người dần hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong từng lĩnh vực, từng cấp, từng ngành.

Từ nền tảng nhận thức đó, tiến hành phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng, cụ thể, phù hợp với từng cấp, từng ngành. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trong công tác phòng ngừa và xử lý các tình huống phát sinh.

Bên cạnh đó, dựa trên những vấn đề nổi lên gần đây, đặc biệt sau cơn bão số 3 tại Tuyên Quang, địa phương đã chú trọng đến vấn đề an ninh nguồn nước. Điển hình là việc rà soát lại toàn bộ các điều kiện cơ sở hạ tầng và các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến sự cố nghiêm trọng. "Ví dụ, chúng tôi đã tập trung vào kiểm tra tình trạng các hồ đập, đánh giá nguy cơ tại những khu vực có khả năng xảy ra sạt lở và triển khai các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro.

"Đối với những khu vực có nguy cơ cao, chúng tôi đã tham mưu xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và thành lập các hội đồng đánh giá an toàn. Các giải pháp này không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân mà còn tăng cường khả năng ứng phó của các địa bàn trong trường hợp xảy ra bão lụt. Đây là những bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp", Đại tá Đỗ Tiến Thùy chia sẻ.

Ngoài ra, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng tham mưu tổ chức các cuộc diễn tập và thành lập các Ban Chỉ đạo, đồng thời xây dựng và hoàn thiện các phương án ứng phó. Trên cơ sở những hoạt động này, mọi người hiểu rõ hơn về cơ chế vận hành của các cấp, các ngành khi xảy ra rủi ro. Việc này giúp xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành cũng như của từng cá nhân và đơn vị trong các tình huống cụ thể.

Ví dụ, trong mỗi tình huống rủi ro, các cấp sẽ biết chính xác mình cần làm gì, từ đó đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Các cuộc diễn tập giúp các bên không chỉ hiểu rõ cơ chế vận hành mà còn xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của mình, tạo tiền đề để xử lý tình huống khẩn cấp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Công tác đào tạo kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn, cũng được đặc biệt chú trọng. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng chuyên nghiệp, cũng như cho các lực lượng được huy động từ cộng đồng. Đào tạo không chỉ giúp cải thiện kỹ năng thực tế mà còn đảm bảo sự sẵn sàng và hiệu quả trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Một vấn đề khác mà Tuyên Quang xác định cần chú trọng là đầu tư trang thiết bị và phương tiện phù hợp để nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Thực tế cho thấy, đặc thù địa bàn có những khu vực thường xuyên ngập lụt hoặc địa hình phức tạp đòi hỏi các phương tiện phải được thiết kế phù hợp để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả khi sử dụng.

Ví dụ, các phương tiện cần được tối ưu hóa để có thể hoạt động tốt trong điều kiện ngập sâu hay những nơi địa hình phức tạp. Có những phương tiện khi triển khai thực tế gặp khó khăn vì không đáp ứng được điều kiện địa hình cụ thể, dẫn đến hiệu quả ứng phó giảm sút. Từ những kinh nghiệm thực tiễn này, Công an tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất việc trang bị thêm các loại phương tiện và vật chất phù hợp với từng địa bàn cụ thể.

Việc đầu tư đúng và phù hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện, từ đó cải thiện khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các tình huống khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người dân mà còn tăng cường năng lực quản lý và ứng phó của các lực lượng chức năng.

Nhật Nam