Từ bài học của cha ông
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước cũng là một cách áp dụng "Luật Hồi tỵ" trong tình hình mới. Thời vua Lê Thánh Tông, hồi tỵ được luật hóa trong Luật Hồng Đức, quy định việc quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, làm nhà nơi mình làm quan lớn; không được dùng người cùng quê giúp việc.
Sang đời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, như quan lại nếu có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ phải đổi đi chỗ khác; không được làm quan ở quê vợ, nơi đi học lúc còn trẻ; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
Luật Hồi tỵ đời vua Minh Mạng còn nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản.
Trước đó, ngay từ thời Lý, hoạt động luân chuyển quan lại dần trở thành chế độ thường xuyên trong sử dụng đội ngũ quan lại thời phong kiến.
Nội dung của hoạt động điều chuyển quan lại là chuyển một viên quan từ vị trí này sang vị trí khác trong hệ thống quan trường, hay chuyển từ địa bàn trị nhậm của một viên quan từ nơi này sang nơi khác.
Việc luân chuyển có thể diễn ra đối với từng vị trí ở cấp Trung ương, có thể là sự điều động từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại.
Hoạt động thăng, giáng chức cũng là hoạt động diễn ra bình thường. Có công được phong, có tội bị giáng, thậm chí bị cách hết mọi chức tước, nhưng sau đó vẫn có thể được phục hồi như cũ nếu có thành tích nổi bật.
Việc luân chuyển nhằm mục đích phát huy tối đa năng lực của quan lại thông qua việc điều chuyển sang vị trí thích hợp hơn, tạo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của quan lại, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định. Ngoài ra còn phòng tránh việc quan lại lợi dụng thời gian trị nhiệm lâu dài tại một địa phương hay một vị trí nào đó để gây thanh thế lớn, có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự an toàn của chế độ quân chủ.
Đến thời Trần, việc luân chuyển quan lại diễn ra thường xuyên hơn, được thực hiện bằng các quy định cụ thể của Nhà nước, thể hiện rõ trong việc điều động, phân bổ quan lại.
Dưới thời Lê Thánh Tông, hoạt động luân chuyển quan lại diễn ra dồn dập, quy mô rõ rệt. Trong lịch sử ghi nhận nhiều công thần khai quốc vốn bị tước hết quyền lực ở thời Lê Lợi nhưng đến thời Lê Thánh Tông lại được bổ dụng trở lại như Lê Khuyên được phục chức Nhập nội thiếu uý, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự thái giám, Lê Khiêm được cử làm Đô áp nha tri tư bản sự.
Các quy định chế độ quan chức thời phong kiến vẫn giữ được giá trị lịch sử. Những bài học từ lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu biết, nghiên cứu, vận dụng vào thời đại ngày nay, nhất là về chế độ, trách nhiệm trong công tác luân chuyển cán bộ.
Luân chuyển cán bộ không còn là "chuyện mới"
Ở thời kỳ hiện đại, công tác luân chuyển cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ.
PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương cho rằng, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống giặc cứu nước ở thế kỷ XX, đã có sự thay đổi liên tục với các vị trí cán bộ hậu phương, tiền tuyến, dân quân tự vệ… Thực tiễn ấy chính là quá trình luân chuyển cán bộ.
"Sau khi đất nước giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng thống nhất, trong giai đoạn 1975-1985 chúng ta cũng đạt được một số thành tựu nhưng rõ ràng vẫn gặp khó khăn, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, bị bao vây cấm vận. Một trong những nguyên nhân ấy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là công tác cán bộ", PGS.TS Đào Duy Quát nhận định.
Từ trước Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), Đảng đã có chủ trương điều cán bộ từ cơ quan Trung ương về nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Và ngược lại, điều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo các tỉnh, thành lớn về nhận công tác tại cơ quan Trung ương.
Sau 10 năm đổi mới, vào năm 1997, Đảng ta mới có nghị quyết đầu tiên về công tác cán bộ, trong đó luân chuyển là khâu quan trọng.
Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã đưa nội dung "luân chuyển cán bộ" vào một mục, theo đó sẽ "thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ; bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức".
Nghị quyết cũng nói rằng "căn cứ vào đặc điểm từng vùng, từng ngành, từng cấp, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường cán bộ, cấp uỷ Đảng lập quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ theo một quy trình chặt chẽ và có chế độ, chính sách thích hợp". Đặc biệt, "mọi cán bộ, đảng viên phải phục tùng tuyệt đối quyết định điều động, luân chuyển của Đảng và Nhà nước".
Theo ông Đào Duy Quát, luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển của cán bộ trước đây cũng như trong thời kỳ đổi mới.
Việc một cán bộ lãnh đạo được điều chuyển nhận công tác mới là việc bình thường trong đời sống chính trị của đất nước ta. Tuy nhiên, câu chuyện luân chuyển cán bộ đã được tiến hành một cách có hệ thống trong 25 năm trở lại đây. Bởi đây chính là một phần rất quan trọng trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng.
Trong giai đoạn 1999-2000, nhiều quyết định luân chuyển đáng chú ý đã được tiến hành trong Đảng. Có thể kể đến việc luân chuyển Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan về làm Chánh Văn phòng Trung ương. Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Tô Huy Rứa được luân chuyển về làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn được điều về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng thay thế ông Trương Quang Được ra Hà Nội làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Ông Nguyễn Minh Triết được điều trở lại TPHCM làm Bí thư Thành ủy TPHCM, trong khi Bí thư Thành ủy TPHCM Trương Tấn Sang ra làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay ông Phan Diễn.
Thời kỳ sau đó, việc luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh hơn nữa để có một đội ngũ cán bộ của Đảng "phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc", Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 về việc luân chuyển cán bộ và lãnh đạo quản lý.
Nghị quyết nhấn mạnh: "Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ".
Ông Phạm Văn Thọ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Ðảng khoá IX nhắc lại giai đoạn năm này, khi Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Thị Kim Ngân luân chuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, thay ông Nguyễn Văn Chiền, được cử làm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thay ông Võ Ðức Huy được điều về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương...
Ông Thọ hồi tưởng lại về nhân sự được luân chuyển thời gian đó, đều là những người còn trẻ, có năng lực, đã là Uỷ viên Trung ương Đảng và nằm trong chương trình luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước.
Luân chuyển đã tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.
Đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, công tác luân chuyển cán bộ lại càng có vai trò quan trọng, xuất phát từ chính vị trí, vai trò của đội ngũ này trong thực tiễn. Nhiều cán bộ cao cấp hiện nay cũng đều từng được "luân chuyển".
Nỗ lực phấn đấu cho nhiệm vụ nặng nề hơn
Trong bài phát biểu "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về một cuộc chuyển giao lịch sử "từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau".
Ngay trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 về luân chuyển cán bộ. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...
Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.
Cùng với đó là việc kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động 45 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 34 ủy viên Trung ương Đảng, cả chính thức và dự khuyết) giữ chức bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối; chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Đồng thời đã phân công, bố trí công tác sau luân chuyển với 53 cán bộ.
Tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa được tổ chức mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định điều động, luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, trong đó điều động và luân chuyển có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Trao đổi dưới góc độ là người trong thực tiễn đã luân chuyển ở nhiều vị trí công tác, đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn các đồng chí được điều động, luân chuyển phải nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm được giao, thực hiện đúng nguyên tắc,"nói đi đôi với làm", nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong phạm vi công tác được phân công; quan tâm làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương; thực sự quan tâm, giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn của nhân dân.
Đặc biệt, mỗi cán bộ được điều động, luân chuyển cần tích cực nêu gương, dành thời gian tìm hiểu đặc điểm, tình hình, phải trở thành một phần không thể thiếu của địa phương nơi được điều động, luân chuyển; chú trọng tự rèn luyện, tự đào tạo, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp xếp, phân công.
Chia sẻ với tâm sự của một số đại biểu về những lo lắng khi nhận nhiệm vụ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng "lo lắng khi nhận nhiệm vụ, sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ không tạo ra sự đồng thuận, đó là sự lo lắng tích cực, lành mạnh... Khi chúng ta không thấy được sức nặng của công việc đè lên đôi vai mình thì sẽ thiếu nỗ lực để vượt qua, suy nghĩ những giải pháp để làm. Quá trình đi tìm giải pháp, khắc phục, giải quyết sự lo lắng là quá trình trưởng thành và tiến bộ của chính chúng ta"./.
Nhật Nam
(Còn tiếp)