In bài viết

Xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả

Bài 2: Nhiều sáng kiến, nỗ lực để có nền hành chính phục vụ, vì dân

(Chinhphu.vn) - Trong suốt quá trình thực hiện cải cách hành chính, quan điểm của TP. Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu, thì cuối cùng yếu tố con người vẫn là mấu chốt trong hệ thống đó. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa bộ phận “một cửa” và không ngừng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chính là “cốt lõi” của một nền hành chính phục vụ, vì dân.

01/12/2022 08:21
Bài 2: “Cốt lõi” là phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Mô hình "5 thủ tục-5 giải quyết tại chỗ" tại phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn - Ảnh: VGP/Thùy Linh

Hướng tới bộ phận "một cửa" hiện đại, văn minh

Những phản hồi của người dân tại bộ phận "Một cửa" là minh chứng rõ nhất về hiệu quả trong cải cách hành chính của TP. Hà Nội thời gian qua. Hiện nhiều quận, huyện đã và đang triển khai sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước như: Mô hình "Ngày Thứ 6 xanh", "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn", "Các thủ tục hành chính không chờ" trong giải quyết thủ tục hành chính…

Anh Đỗ Văn Long (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Tuần trước, tôi đến làm thủ tục đăng ký lại kinh doanh ô tô vận tải. Nếu như trước kia, tôi phải đến nộp hồ sơ và nhận giấy hẹn sau 3 ngày mới được nhận kết quả. Nhưng nay, cứ vào ngày thứ Ba hằng tuần, thủ tục này được rút gọn trong 2 giờ làm việc. Theo tôi, sáng kiến này cần nhân rộng hơn nữa giúp giảm thời gian, quy trình, tạo thuận lợi cho người dân".

Mô hình "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn" của huyện Gia Lâm bắt đầu triển khai từ ngày 13/9/2022 và duy trì vào thứ Ba hằng tuần. Với mô hình này, huyện Gia Lâm thực hiện 28 thủ tục hành chính, các xã, thị trấn thực hiện 9 thủ tục hành chính. Khi công dân đến làm thủ tục hành chính sẽ được cán bộ tại bộ phận "một cửa" của huyện, xã, thị trấn tiếp nhận và giải quyết ngay tại chỗ. Đây là bước tiến vượt bậc trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn trên địa bàn.

Tại phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), mô hình "5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ" được triển khai từ tháng 7/2022 cũng đã giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính cấp phường, tiết kiệm thời gian cho người dân.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Nguyễn Anh Dũng cho biết, bằng việc đặt mình vào vị trí của người dân, hiểu được mong muốn của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, UBND phường kỳ vọng mô hình "5 thủ tục-5 giải quyết tại chỗ" sẽ đạt được hiệu quả cao, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Ghi nhận tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, sau hơn một năm thí điểm thực hiện sáng kiến "5 thủ tục hành chính không chờ" đã giúp việc giải quyết số lượng lớn hồ sơ một cách thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của công dân. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm từ nửa ngày hay 1 ngày còn 15 phút. Mô hình này hiện đã được quận Hoàn Kiếm đồng loạt nhân rộng đến 18 phường với quy trình thực hiện thống nhất.

Việc thực hiện các mô hình trên đã mang lại rất nhiều thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, xuất nhập khẩu… còn nhiều rào cản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng bộ phận "Một cửa" các cấp trên địa bàn Thành phố cơ bản dừng ở mức đáp ứng yêu cầu tối thiểu, chưa đạt đến mức độ tiêu chuẩn hiện đại...

Vì vậy, mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Đề án "Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn TP. Hà Nội". Đề án nhằm khắc phục và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính các cấp trên địa bàn Thành phố với bản sắc, thương hiệu, các yêu cầu thiết kế nội, ngoại thất, biển hiệu, trang phục, biển tên, tài liệu truyền thông, giao diện… gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số, cải cách hành chính, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong các năm tiếp theo; góp phần tạo lập thương hiệu Bộ phận một cửa hiện đại đồng bộ trên toàn Thành phố, hình thành một môi trường làm việc thống nhất, thuận lợi, văn minh, hiện đại.

Bài 2: “Cốt lõi” là phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết TTHC nhanh, hiệu quả. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Cán bộ là mấu chốt

Thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", các đơn vị thuộc TP. Hà Nội đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động được TP. Hà Nội tập trung từng bước đổi mới.

Trong năm 2022, Thành phố đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tầm nhìn tư duy chiến lược, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố. Để hoạt động công vụ có hiệu quả, Thành phố cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai quy định khung tiêu chí đánh giá (hằng tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của Thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc xếp loại, đánh giá đối với công chức, viên chức, người lao động đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác của đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng...

Ngoài ra, Thành phố đã mạnh dạn đổi mới việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thông qua tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Đây là một trong những nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm cải cách công vụ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của Thành phố.

Lan tỏa tinh thần từ Thành phố, nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo. Điển hình như huyện Quốc Oai chú trọng nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đặc biệt là công chức làm việc tại bộ phận "Một cửa"; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức. 

Huyện đã đưa tất cả các thủ tục hành chính của cơ quan chuyên môn, đơn vị hiệp quản ra bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của huyện, đảm bảo yêu cầu "4 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả), áp dụng hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", thiết bị chuyên dụng hiện đại để quản lý, giám sát, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của các cơ quan, đơn vị.

Quận Long Biên thì ban hành bộ Chỉ số đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các trường học công lập trực thuộc quận, Bộ tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ. 

Hay huyện Đông Anh có sáng kiến tổ chức cuộc thi "Mô hình Bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2022". Những cách làm, sáng kiến trên đã thể hiện phần nào quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét về cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc TP. Hà Nội.

Song Linh

Bài 3: Tạo đột phá với phân cấp, ủy quyền