Doanh nghiệp TPHCM: Đổi mới sáng tạo, dám nghĩ - dám làm, tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Nhờ tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ - dám làm, đẩy mạnh kinh tế số, từ một đơn vị kinh doanh nhỏ năm 1989, đến nay, Saigon Co.op đã là thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam với doanh số hơn 30.000 tỷ đồng/năm - Ảnh: VGP/Lê Anh
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ (1991-2000) với tốc độ trung bình đạt hơn 2 con số nhờ sự bùng nổ của dòng vốn FDI vào sản xuất công nghiệp, TPHCM bước sang giai đoạn tăng trưởng mới (2000-2020). Cùng với việc tiếp tục duy trì thu hút đầu tư FDI, Thành phố có sự tham gia "nở rộ" của các DN tư nhân trong nước. Từ năm 2010 trở đi, các DN TPHCM bắt đầu tiến vào thời kỳ kinh tế số, đổi mới sáng tạo; đồng thời Thành phố cũng khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nhân trẻ khởi sự kinh doanh, năm 2010, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Business Startup Support Centre – BSSC) trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM ra đời. Đây là trung tâm đầu tiên trên cả nước có quỹ hỗ trợ với mục tiêu giúp người trẻ bắt tay vào kinh doanh. Đến nay, BSSC đã hỗ trợ hơn 17.000 dự án, công ty nhỏ và vừa.
Thị trường sôi động và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhộn nhịp đã giúp TPHCM trở thành "cái nôi" vun đắp cho hàng chục nghìn ý tưởng kinh doanh mỗi năm. TPHCM cũng là nơi khởi nghiệp của nhiều "kỳ lân" công nghệ Việt Nam như VNG, MoMo và Sky Mavis… Hay Công ty TNHH Thế Giới Di Động đã tái định nghĩa ngành bán lẻ tại Việt Nam, từ một cửa hàng điện thoại nhỏ xây dựng nên hệ sinh thái bán lẻ khổng lồ với hàng trăm siêu thị trên toàn quốc. Công ty Phúc Sinh đưa nông sản Việt như cà phê, hồ tiêu... vươn tầm thế giới. Tập đoàn Đại Dũng - đơn vị tiên phong, chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực cung cấp dịch vụ tổng thầu và sản phẩm kết cấu thép phục vụ công trình trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh: TPHCM là thành phố luôn chuyển động, đổi mới từng ngày với tốc độ đáng kinh ngạc - Ảnh: VGP/Lê Anh
Chia sẻ cảm nghĩ về Thành phố năng động, nơi đã giúp Phúc Sinh "cất cánh", trở thành DN lớn trong ngành cà phê và hồ tiêu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết: TPHCM là thành phố luôn chuyển động, đổi mới từng ngày với tốc độ đáng kinh ngạc. Con người nơi đây có tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn tìm kiếm cơ hội, vượt qua thử thách để vươn lên. Những con đường, tòa nhà, hạ tầng ngày càng hiện đại, các mô hình kinh doanh liên tục đổi mới, tạo nên một hệ sinh thái kinh tế đầy năng lượng. Chính sự năng động đó đã truyền cảm hứng cho doanh nghiệp như Phúc Sinh không ngừng sáng tạo, phát triển, đóng góp vào sự vươn tầm của Thành phố trong kỷ nguyên mới.
Từ một công ty khởi nghiệp năm 2001 với 60 triệu đồng, đến nay Phúc Sinh chinh phục thị trường ngành hồ tiêu, cà phê với doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Sự thành công của Phúc Sinh đã làm thay đổi tư duy kinh doanh cho ngành nông nghiệp và đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.
Còn ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dũng (Đại Dũng Group) cho biết: Môi trường kinh doanh năng động của TPHCM đã giúp Đại Dũng, ban đầu khởi sự là một xưởng cơ khí nhỏ (năm 1995), dần mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh với đối tác nước ngoài cũng như thị trường trong nước để đạt được những thành công như ngày hôm nay.
Ông Trịnh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong xu thế hiện nay, DN dù lớn hay nhỏ đều phải nghĩ và thích nghi với những thay đổi hằng ngày, nhất là tại TPHCM, trung tâm kinh tế sôi động của cả nước. Hiện nay, việc đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế chính và DN muốn phát triển bền vững cần phải nắm bắt và thích ứng nhanh chóng.
Có thể nói, sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2000-2020 với tinh thần đổi mới sáng tạo đã tạo ra cuộc chuyển mình giúp TPHCM thay đổi động lực tăng trưởng sau 20 năm đổi mới - từ công nghiệp sang dịch vụ, đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Chia sẻ về định hướng phát triển của Thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đã xác định KHCN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là chiến lược để phát triển trong giai đoạn mới. Từ đầu năm 2025 đến nay, TPHCM đã ban hành hơn 10 kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo ông Thắng, một trong những ý tưởng đang được Thành phố nghiên cứu là mô hình "một cửa" chuyên biệt cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, bất kỳ cá nhân hay nhóm nào có nhu cầu thành lập start-up sáng tạo tại TPHCM chỉ cần đến một điểm tiếp nhận duy nhất, nơi có cán bộ chuyên trách làm đầu mối liên kết với các sở, ngành liên quan, để giải quyết mọi thủ tục.
Theo bảng xếp hạng của Startup Link, hiện TPHCM đang đứng vị trí thứ 111 trong số 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, nếu như việc hình thành Khu chế xuất đầu tiên tại TPHCM được ví như cuộc "đổi mới lần 1" nhằm tạo động lực mạnh mẽ để TPHCM thu hút dòng vốn trong và ngoài nước cho phát triển mạnh về công nghiệp, thì việc xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM lần này được ví như cuộc đổi mới lần thứ 2, tạo động lực mới cho Thành phố thu hút được các dòng vốn chất lượng cao, tạo "chất xúc tác" cũng như bệ đỡ quan trọng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số và khởi nghiệp của Thành phố.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa - Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế TPHCM đã là trung tâm tài chính của cả nước dù chưa được định hình bài bản, thấy rõ nhất qua những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… Tuy vậy, ở tầm quốc tế sẽ cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa để nâng tầm. Theo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI) mới công bố vào tháng 3/2025, TPHCM đứng 98 trên 119 thành phố xếp hạng, tăng 7 bậc so với năm ngoái.
Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Trung tâm tài chính sẽ là động lực mạnh mẽ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm tài chính công nghệ cao, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp phát triển.
Trung tâm tài chính không chỉ là dự án phát triển kinh tế mà còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính. Là bước đi chiến lược để kết nối sâu hơn với dòng chảy tài chính thế giới, thu hút nguồn lực và thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, dẫn dắt lĩnh vực công nghệ tài chính với xu hướng kinh tế xanh và bền vững.
Sự thành công của Trung tâm tài chính không chỉ phụ thuộc vào các chính sách mà còn cần sự đồng lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TPHCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh, Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM sẽ tạo ra "sân chơi" mới, với nhiều dư địa cho các DN phát triển.
Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ tạo ra "sân chơi" mới, với nhiều dư địa cho các DN phát triển.
Theo đó, Trung tâm tài chính giúp giúp doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn. Thông thường, 30% vốn cho đầu từ sản xuất kinh doanh ở các nước đến từ ngân hàng, còn 70% là doanh nghiệp huy động qua thị trường vốn trong khi ở nước ta thì ngược lại. "Vì vậy, với trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta giải quyết được vấn đề này, từ đó giải quyết áp lực vốn cho ngân hàng", ông Hòa phân tích.
Theo ông Hòa, chúng ta có những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu nhưng giao dịch chưa được lên sàn, chưa được minh bạch và đặc biệt là chưa có cơ hội để mua trước trả sau, mua sau trả trước. Với sàn giao dịch hàng hóa (commodities exchange) tại Trung tâm tài chính, chúng ta sẽ hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa TPHCM gắn với thị trường nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, và gắn với thị trường nguyên liệu sản xuất và chế biến công nghiệp ở Đông Nam Bộ, kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu.
Lê Anh – Minh Thi
(còn tiếp)