In bài viết

Bài 2: Xử lý làm giả, chỉnh sửa biển số xe: Giải pháp từ cơ quan chức năng

(Chinhphu.vn) - Trước vấn nạn sử dụng biển kiểm soát giả, che chắn, làm mờ, chỉnh sửa biển số xe... gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn cho cơ quan chức năng, Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi với đại diện các cơ quan chức năng về các giải pháp xử lý thực trạng nhức nhối này.

14/08/2022 08:18

Người dân cung cấp chứng cứ, cơ quan chức năng sẽ tra soát để xử lý

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an) cho biết: Tình trạng sử dụng biển kiểm soát giả (biển kiểm soát không do cơ quan có thẩm quyền cấp) đã xuất hiện từ trước. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, rộ lên hiện tượng gắn biển giả, chỉnh sửa biển, che biển, làm mờ biển, lật biển (2 biển số) gây bức xúc trong nhân dân.

Bài 2: Cơ quan chức năng nói về xử lý gắn biển giả, che chắn biển số xe? - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Người dân có thể gọi ngay về đường dây nóng của Cục CSGT khi phát hiện vi phạm - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu rõ: Các đối tượng gia tăng những chiêu trò này để thực hiện các hành vi phạm tội trên các tuyến quốc lộ và các đô thị, nhất là khi CSGT các tỉnh đưa vào hệ thống giám sát "phạt nguội", nhằm trốn tránh vi phạm, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Đây là lỗi cố ý trốn tránh trách nhiệm pháp lý, làm mất cân bằng và bình đẳng trong tham gia giao thông của người và phương tiện.

Trước năm 2022, lỗi vi phạm này được Nghị định 100/NĐ-CP xử phạt còn thấp (từ 800.000-1.000.000 đồng), từ năm 2022, Nghị định 123/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100) đã nâng mức xử phạt hành vi này lên gấp nhiều lần.

Cụ thể, xử phạt chủ phương tiện có hành vi lắp đặt thiết bị sai, sửa đổi biển số xe từ 4-6 triệu đồng với cá nhân và 8-12 triệu đồng với tổ chức, doanh nghiệp; hành vi gắn biển số giả bị phạt từ 6-8 triệu đồng với cá nhân và 12-16 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp.

Đề cập đến giải pháp đối với vấn nạn này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết: Trước hết cần tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, khuyến khích người dân phát hiện và lên án các hành vi sai trái này. Người dân có thể ghi nhận, cung cấp cho lực lượng chức năng chứng cứ (ảnh, video, phản ánh trên truyền thông, mạng xã hội…) để kịp thời tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm.

"Cục CSGT vừa qua đã chỉ đạo CSGT các địa phương trên toàn quốc cần tăng cường xử lý các vi phạm này", Đại tá Nhật cho hay.

Để xử phạt đúng người, đúng hành vi, lực lượng chức năng căn cứ vào cơ sở dữ liệu điện tử về đăng ký xe (chủng loại xe, đời xe, màu sơn) có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, tra cứu đúng phương tiện vi phạm. Bộ Công an đang chỉ đạo Cục CSGT nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành định danh, mã hóa biển số xe để thống nhất quản lý, ngăn chặn tình trạng làm giả biển số xe.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật khuyến cáo, khi nhận được thông báo "phạt nguội" mà chắc chắn phương tiện của mình không vi phạm, người dân cần liên hệ cơ quan công an để cung cấp chứng cứ, hồ sơ, giúp cơ quan chức năng phân tích, làm rõ, xác minh đúng phương tiện mới xử phạt.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân có thể gọi ngay đến số điện thoại 113 của công an các tỉnh, số đường dây nóng của Cục CSGT: 069.2342608 để phản ánh, đồng thời ghi hình làm bằng chứng gửi cơ quan chức năng.

Người dân khi mua bán, chuyển nhượng phương tiện cần thực hiện đúng quy định "sang tên đổi chủ" phương tiện, tránh phiền toái khi xe vi phạm nhưng vẫn mang tên đăng ký xe của chủ cũ.

Các trạm thu phí và công ty cung cấp dịch vụ thu phí cần siết chặt quản lý dán thẻ ETC, kiểm soát tại các trạm thu phí, nếu phát hiện trường hợp giả mạo cần trao đổi ngay với lực lượng CSGT để phối hợp xử lý.

Đồng thời, Cục CSGT cũng cảnh báo, hiện nay có nhiều đối tượng lừa đảo gọi điện đến người dân thông báo phương tiện giao thông vi phạm tại một địa điểm nào đó, yêu cầu đến địa chỉ cụ thể để giải quyết… Người dân cần cảnh giác cao độ với loại tội phạm này bởi không có lực lượng chức năng nào thông báo bằng điện thoại đến người dân, và trường hợp xử phạt đều phải có giấy tờ đóng dấu cụ thể.

Từ ngày 21/5/2022, cơ quan công an gửi giấy "phạt nguội" về địa chỉ cư trú của công dân, người dân có thể lên công an xã, phường, quận, huyện hoặc lực lượng CSGT để giải quyết. Quá trình làm việc, người dân được xem lại hình ảnh vi phạm, phân tích lỗi vi phạm, xác định rõ phương tiện vi phạm thì mới xử lý. Nếu vụ việc phức tạp thì cơ quan công an phải xác minh, làm rõ mới có thể xử phạt.

Bên cạnh đó, người dân có thể tra cứu "phạt nguội" trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn , hoặc trên Cổng thông tin điện tử Cục CSGT tại địa chỉ www.csgt.vn. Trường hợp nhận thông báo vi phạm khi làm thủ tục gia hạn đăng kiểm, phương tiện vẫn được cấp đăng kiểm tạm thời 15 ngày để chủ xe có đủ thời gian xử lý.

Đề xuất tăng mức xử phạt

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) lưu ý, tình trạng làm giả, chỉnh sửa biển số xe để "né phạt nguội" hoặc gian lận khi lưu thông qua các trạm thu phí không dừng nếu còn kéo dài và không được xử lý dứt điểm sẽ tạo nên sự bất bình, thiếu nghiêm minh và không chính xác trong xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bài 2: Cơ quan chức năng nói về xử lý gắn biển giả, che chắn biển số xe? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thanh Hà: Đề nghị tăng mức xử phạt nặng hơn nữa với hành vi gắn biển số xe không đúng quy định. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bà Thanh Hà phân tích: Mặc dù đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương đối cao tại các Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP nhưng trên thực tế, tình trạng vi phạm có xu hướng tăng và phổ biến. 

Việc sử dụng biển số không đúng quy định một mặt gây thiệt hại về tài chính cho các chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của công dân khi phải bố trí thời gian làm việc với các cơ quan có thẩm quyền nhằm khẳng định sự ngay tình của mình. 

Đối với các cơ quan chức năng, việc xác định chính xác đối tượng vi phạm trong các trường hợp làm sai lệch biển số như đã nêu mất rất nhiều thời gian, nhân lực, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để chứng minh, lập biên bản và xử lý vi phạm.

"Trong thời gian tới, ở góc độ xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ cần tính toán, cân nhắc tăng mức phạt đối với các hành vi này, có thể lên gấp đôi so với mức phạt hiện nay để tăng tính răn đe", Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật kiến nghị.

Đề cập đến vấn nạn này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chỉ rõ, xe dùng biển kiểm soát không chính xác để lưu thông nói chung, đi qua trạm thu phí nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng này không thuộc thẩm quyền của các cơ quan ngành giao thông. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý tuyến đường cung cấp dữ liệu cho lực lượng CSGT để xử lý.

Tăng cường giải pháp công nghệ

Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp dịch vụ ETC với thẻ ePass cho biết: Công ty đã có giải pháp nhận diện xe sử dụng biển số giả lưu thông qua các trạm thu phí do VDTC vận hành.

Cụ thể, VDTC đã tiến hành đồng thời các giải pháp: Đào tạo kỹ năng vận hành; đào tạo thu phí viên, nhân viên vận hành làn thu phí tại các trạm thu phí ePass kiểm tra thẻ định danh được gắn trên xe so với thẻ định danh đăng ký theo biển số xe trước khi nhập biển số vào phần mềm thu phí cho xe qua trạm. Đồng thời, Công ty đã gửi văn bản tới tất cả các trạm thu phí có kết nối hệ thống Backend tới VDTC và do các nhà đầu tư BOT quản lý vận hành khai thác thu phí.

Bài 2: Cơ quan chức năng nói về xử lý gắn biển giả, che chắn biển số xe? - Ảnh 3.

Ông Bùi Trình: Có giải pháp công nghệ nhận diện chính xác đến 99% - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Về giải pháp công nghệ, Công ty tiến hành nâng cao chất lượng hệ thống nhận diện biển số phương tiện 2 lớp: Hệ thống Frontend (FE) và hệ thống Backend (BE). Theo đó, hệ thống OCR (Nhận dạng ký tự quang học) trên cả FE và BE nhận diện được chính xác đến 99%. 

Hệ thống có chức năng tự động đưa ra các giao dịch có biển số nhận diện phương tiện khác với biển số đăng ký gắn cùng thẻ định danh ePass, phục vụ công tác hậu kiểm giao dịch xe qua trạm. Tự động thực hiện kiểm tra hình ảnh, video so sánh với hình ảnh xe chuẩn được chụp lại khi đăng ký để phát hiện các bất thường nếu xe có gắn biển số giả. Đồng thời cập nhập thường xuyên thêm các hình ảnh xe chuẩn trên phần mềm thu phí tại trạm.

Đồng thời, khi phát hiện các trường hợp xe sử dụng biển giả lưu thông qua trạm thu phí, VDTC thông báo tới Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam kèm theo hình ảnh xe qua trạm, hình ảnh xe đăng ký dịch vụ làm bằng chứng.

"Ngoài những xe sử dụng biển số giả, hiện nay có nhiều phương tiện cố tình làm thay đổi chữ, số trên biển số, chúng tôi đề xuất sử dụng hình ảnh, video xe qua trạm khi chúng tôi phát hiện ra để xử lý theo quy định. Các trường hợp xe không qua trạm nhưng bị trừ tiền, khi phát hiện thông qua công tác hậu kiểm hoặc tiếp nhận từ phản ảnh của khách hàng, sau khi xác minh, chúng tôi hoàn tiền, thực hiện "happy call" tới khách hàng", ông Bùi Trình cho biết.

Lê Sơn-Xuân Hồng