In bài viết

Bài 4: Hành trình đi Thắp lửa trái tim

HNP - Trong suốt hành trình hơn 10 năm tổ chức và hoạt động tình nguyện, tuổi trẻ Thủ đô không chỉ xung kích tham gia các hoạt động “Vì cộng đồng” trên địa bàn Thủ đô, mà còn tổ chức nhiều chuyến hành trình đến những vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.

26/03/2011 22:57


Chuyến hành trình dài và có ý nghĩa đối với Hội tình nguyện Thắp lửa trái tim (LHO) TP Hà Nội phải kể đến chuyến hành trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở Lai Châu năm 2010. Anh Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch LHO nhớ lại, chưa có năm nào hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô lại sung sức như năm 2010 - năm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. 150 sinh viên thành viên của LHO đã tham gia chuyến hành trình mang chủ đề “Ấm lòng nương bản” đến xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tình nguyện trồng rừng, cải tạo giao thông, ôn tập văn hóa, phổ cập tin học cho thiếu nhi. Họ còn rất trẻ, tất cả hầu hết là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội, chưa đi xa nhà, đến những nơi khó khăn về ăn ở, sinh hoạt nhưng trong họ ai đấy đều nhiệt huyết, gắng sức mình hoàn thành nhiệm vụ không một lời ca thán.

“Xã Chăn Nưa là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc anh em: Thái, Dao, Mông, Mảng, Kinh với gần 5000 nhân khẩu, sống ở 17 bản làng. Bản xa nhất cách trung tâm xã gần 2 ngày đường. Đây là địa phương vùng sâu vùng xa của huyện Sìn Hồ, là một trong những xã nghèo nhất nước. Dù tất cả lần đầu đến Lai Châu, song chặng đường dài vất vả không làm họ chùn bước giữa cái nắng thiêu đốt của mảnh đất vùng Tây Bắc”, anh Trung cho biết.

Nguyễn Đình Giang, SV Trường ĐH Thủy Lợi vẫn còn nhớ như in những gì cảm nhận ở vùng núi Sìn Hồ-Lai Châu. “4h30 sáng, sương phủ trắng núi rừng Tây Bắc, sau bữa ăn sáng vội vàng, đoàn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ trồng cây cao su. Trưởng đoàn phân công 4 tổ, mỗi tổ phụ trách một nội dung, từ chuyển dụng cụ lao động, vác bầu cao su, đến vận chuyển hóa chất…Cứ vậy, trong 15 ngày, đoàn chúng tôi đã trồng được 10 ha cây cao su, phủ xanh vùng đất trống, đồi núi trọc”. Giang là sinh viên lần đầu tiên tham gia tình nguyện, vì thế rất hăm hở từ lúc khởi hành đi Lai Châu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện, tạm biệt vùng núi Tây Bắc. “Tôi chỉ biết Lai Châu qua những bài báo, phóng sự truyền hình và những chuyến công tác của bố. Nhưng được đặt chân đến vùng đất này mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con. Đây cũng là dịp để SV chúng tôi rèn luyện, trải nghiệm cuộc sống vùng Tây Bắc”.

Sau chuyến hành trình về, nhiều bạn trẻ còn mang đầy cảm xúc trong những trang nhật ký, rồi giới thiệu với bạn bè, người thân. Nguyễn Ngọc Lâm, thành viên đội 8 (LHO) kể trong nhật ký: “…lần đầu tiên tôi đi xuyên trong mưa, đi qua đêm để nhắm tới một đích đến xa xôi mà chính mình còn chưa biết sẽ về đâu, vì tôi chua đến Lai Châu bao giờ…Và lần đầu tiên đối diện với chặng đường núi đồi gập ghềnh, với nỗi sợ hãi tự nhiên đến lạnh cả người, toát cả mồ hôi, dựng cả tóc gáy, vì vượt đồi, vượt dốc, vượt núi với tất cả sự hỉ hả của tim trẻ nhiệt tình, phấn khích, háo hức và quyết tâm…Tôi cùng nhiều người bạn phải đi một chặng đường dài, ngồi xóc và lắc lư bên trái, rồi lại bên phải đến chóng cả mặt nhưng cảm nhận được tình đồng đội, nó thiêng liêng và ấm áp vô cùng. Điều ấn tượng cho những sinh trẻ đó là cảm nhận được cái nghèo, khó khăn, vất vả của người dân miền quê vùng núi. Những em nhỏ vượt đồi đi học ở những lán xuềnh xoàng, mới thấy xót xa, thương và dốc lòng tình nguyện…”.

Cũng chính sự thông cảm, chia sẻ với học sinh miền núi, trong chuyến hành trính ấy, cứ sau một ngày lao động vất vả, buổi tối, tại Trường Tiểu học Chăn Nưa, thanh niên tình nguyện LHO lại giúp thiếu nhi địa phương ôn tập văn hóa hè; tổ chức hát múa tập thể, chiếu phim. “Chưa bao giờ Chăn Nưa có những ngày ý nghĩa và hạnh phúc như thế. Những đêm giao lưu văn nghệ, chiếu phim của đoàn tình nguyện đã làm cho nhân dân địa phương, đoàn viên thanh niên và thiếu nhi rất phấn khởi. Những lời ca, điệu múa về Lai Châu, về Hà Nội tạo sự gần gũi, nghĩa tình''. Chị Lò Thị Lan, Bí thư Đoàn xã Chăn Nưa chia sẻ với trưởng đoàn tình nguyện Nguyễn Đình Trung như vậy.

Luôn là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thanh niên tình nguyện ở Thủ đô, năm thanh niên 2011, khởi đầu cho chuỗi hoạt động tình nguyện, LHO đã tổ chức hoạt động tình nguyện tại trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật “Vì ngày mai” tại Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội) trong 2 ngày 12 và 13- 3. Nguyễn Văn Bình cho biết, cả nhóm hơn 20 người, 8h sáng đã có mặt và nhận việc từ nhóm trưởng. Ai cũng rất nhiệt tình, hăng hái. Những bạn nữ thì được Ban Giám đốc trung tâm giao cho việc sắp xếp sổ sách chứng từ, kiểm tra lại các phiếu xuất nhập kho, phiếu thu chi của trung tâm từ năm 2008 để cô làm hồ sơ kết nạp thành viên tổ chức thương mại thế giới WTO. Các Bạn nam khỏe hơn thì được phân công đi sửa chữa, làm mới lại những chiếc bàn bị rộp, hỏng, sửa sang phòng học, phòng máy cho các bạn khuyết tật tại trung tâm. “Hai ngày làm việc của nhóm LHO - “Thắp lửa trái tim” tại trung tâm trôi qua thật nhanh nhưng đã để lại trong mỗi chung tôi biết bao kỉ niệm. Những giây phút suy tư, những cuộc nói chuyện, trao đổi ân cần và cả những phút lao động mệt nhọc. Tất cả đã làm cho chúng tôi thêm gắn bó hơn và sẽ thường xuyên trở lại nơi này”. Bình tâm sự

Không chỉ đến với thanh niên khuyết tật, LHO còn phối hợp với Hội phụ nữ khuyết tật Từ Liêm tổ chức hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3. Dù tiết trời lất phất mưa phùn nhưng ngay từ 6h30 các bạn tình nguyện viên đã có mặt trước cổng Huyện Ủy Huyện Từ Liêm để đón tiếp và giúp đỡ các bác, các cô, và các chị hội viên Hội phụ nữ khuyết tật của huyện di chuyển vào phía trong hội trường. Các bạn trẻ LHO đã tham gia chương trình văn nghệ, tặng quà các phụ nữ khuyết tật, giúp họ thêm ấm lòng.

Bằng những việc làm thiết thực của LHO- mô hình tiêu biểu trong hoạt động tình nguyện Thủ đô có thể khẳng định, phong trào Thanh niên tình nguyện Thủ đô thực sự lan tỏa và từng bước đi vào chiều sâu.

Hà Vy