Giải vây cho DN, "rã đông" kịp thời cho nền kinh tế
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết không chỉ có Nghị quyết 128, trong suốt thời gian qua từ lúc cao điểm của dịch đến nay, Chính phủ thường xuyên tìm giải pháp gỡ vướng cho các ngành nghề khác nhau cũng như toàn nền kinh tế.
Có thể nói, Nghị quyết 128 và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hết sức kịp thời, "giải vây" cho các DN, giúp DN bảo toàn lực lượng, tạo đà cho sự khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Kết quả tăng trưởng GDP là thành tựu chung dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng DN trong chớp cơ hội biến thách thức thành cơ hội. Ngay khi có những "chỗ trống" trên thị trường quốc tế cũng như chuỗi cung ứng, DN Việt đã tranh thủ tạo chỗ đứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng như sản xuất.
Còn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định nếu như trước đó, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 cùng những biện pháp giãn cách để chống dịch, khiến nền kinh tế "ngủ đông" thì Nghị quyết 128 là kim chỉ nam để mở cửa hồi phục tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, một mặt việc kịp thời chuyển đổi từ chiến lược "zero-COVID" sang sống chung với dịch, mặt khác Việt Nam triển khai tiêm chủng thần tốc, đã tạo cơ hội mở cửa sớm nhất nền kinh tế. Điều đó đưa nền kinh tế nhanh hồi phục và tăng trưởng ngay từ quý IV/2021.
Do lòng tin được củng cố, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước tiếp tục thành lập mới và khối DN quay trở lại hoạt động dần tăng.
Đáng chú ý, Quốc hội đã có Nghị quyết 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội từ đầu năm 2022. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Điểm đáng chú ý là Chính phủ thực hiện mở rộng hỗ trợ các ngành nghề trong nền kinh tế lớn hơn cả các chương trình hỗ trợ trong năm 2021. Đây là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… đều được khôi phục.
Điểm quan trọng là các ngành, các DN hồi phục nhanh chóng và ngoạn mục, thậm chí nhiều DN hồi phục gần như trước COVID-19. Nhìn chung, bức tranh tổng thể của DN vẫn sáng sủa, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho sự hồi phục nền kinh tế.
"Tôi đồng tình với quan điểm của Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính là nguồn lực ngân sách hỗ trợ tối đa với DN nhưng cần có chọn lọc. DN được thụ hưởng phải bảm đảo tiêu chuẩn, bảo đảm nguồn vốn đi đến đúng địa chỉ, hướng đến DN có tiềm năng phát triển. Còn các DN có rủi ro dẫn đến nợ xấu cao có thể tìm kiếm nguồn lực khác", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh điểm sáng quan trọng của chính sách mở cửa trở lại của nền kinh tế là thương mại quốc tế.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Đây là số liệu đặc biệt ý nghĩa khi nhiều nền kinh tế thế giới, trong đó có các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao quan điểm điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ nhất quán của Chính phủ. Cụ thể, dù thế giới lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất, đồng USD tăng giá mạnh nhưng Việt Nam vẫn kịp thời điều chỉnh chính sách hợp lý, duy trì được sự ổn định tiền tệ
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc tỉ giá USD tăng mạnh chỉ là trong ngắn hạn, do đó, với tiềm lực dự trữ ngoại hối, NHNN đang thực hiện một số biện pháp giữ ổn định tương đối tỉ giá đồng tiền Việt Nam (VND).
Dù NHNN điều chỉnh tỉ giá tăng theo thị trường nhưng tốc độ vừa phải, đến nay tăng khoảng 4,8%, trong khi nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh so với USD. Việc duy trì tương đối sức mạnh VND là nền tảng vững chắc xây dựng lòng tin, trong đó, có lợi cho việc củng cố niềm tin nhà đầu tư nước ngoài.
Điều đó thể hiện qua con số tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
"Việc duy trì tỉ giá có thể khiến cho VND mất giá nhẹ khoảng 2-3% trong năm 2022 sẽ là rất tốt cho hoạt động XNK, đồng thời xoá bỏ kỳ vọng đầu cơ USD. Tôi đồng tình với thông điệp nhất quán của Chính phủ và NHNN về ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng rất quan trọng", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ và NHNN chủ động linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến thế giới là hợp lý. Đó là, NHNN điều chỉnh để lãi suất điều hành và lãi suất huy động tăng; kêu gọi các ngân hàng duy trì không để lãi suất cho vay tăng cao, góp phần hạn chế việc tăng chi phí vốn, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khẳng định chính sách tài khoá cũng phối hợp khá nhịp nhàng, đóng góp tích cực vào quá trình khôi phục nền kinh tế như: Giảm thuế VAT 2%, miễn các loại thuế, phí với xăng dầu và hơn 30 loại phí khác…
Bên cạnh đó, các chính tài khoá giúp hỗ trợ hàng hoá giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Điều này thể hiện qua việc trong 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Việc tiêu dùng tăng khuyến khích sản xuất cũng như tăng trưởng.
Huy Thắng